- Giá xăng rẻ nhất từ đầu năm: Rau xanh, thực phẩm vẫn đắt đỏ
- Giá thực phẩm, rau xanh bắt đầu giảm 'nhỏ giọt'
Giá xăng dầu trong nước giảm sâu trong thời gian qua đã có tác động, giúp giá cước vận tải giảm theo. Cùng với đó, một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã có xu hướng hạ nhiệt.
Giá thực phẩm, rau xanh giảm từ 10-15%
Theo ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy giá cả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn đã giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg tuỳ loại so với đầu tháng 9/2022. Theo đó, thịt mông sấn, vai sấn giá 100.000 đồng/kg; sườn non, ba chỉ, nạc vai từ 120.000 đồng/kg.
Thịt bò từ 210.000 - 230.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 20.000 đồng/kg; thịt gà làm sẵn 120.000 đồng/kg, giảm 20.000/kg so với đầu tháng; thịt gầu bò 240.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 300.000 đồng/kg; tôm từ 240.000 - 380.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg; giá trứng gà 34.000-35.000 đồng/chục, giảm 3.000 đồng/chục.
Giá lợn hơi ngày 30/9 tiếp tục giảm tại nhiều địa phương, trong đó, mức giảm sâu nhất 3.000 đồng/kg được ghi nhận tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg, trong khi tháng trước neo ở mức 70.000 đồng/kg.
Cùng với đó, một số loại rau xanh cũng giảm nhẹ 10 - 15% so với những ngày cuối tháng 8... Bên cạnh đó, cũng có những mặt hàng rau xanh, củ quả giảm giá mạnh như bắp cải Trung Quốc giảm xuống còn 10.000 đồng/kg; bắp cải ta 15.000-18.000 đồng/kg (trước lên 25.000 đồng/kg); cải ngọt 15.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vùng miền, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm giá khoảng 5%, kèm theo những chương trình ưu đãi, khuyến mại khác để thu hút người tiêu dùng.
Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước giảm trong thời gian qua đã có tác động trực tiếp giúp giá cước vận tải giảm theo, góp phần hóa giải áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2022. Thực tế cho thấy, không chỉ giảm giá cước vận chuyển hàng hóa, một số hãng xe taxi, xe khách đã thực hiện giảm giá cước, với mức giảm từ 5 - 12%. Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm giá cước từ 5,26% đến 14,7%. Các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa
Giá xăng trong nước có kỳ giảm lần thứ 8 trong 2,5 tháng qua, tuy nhiên, một số loại hàng hoá, thực phẩm, rau xanh đã giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa tương xứng với đà giảm giá xăng dầu. Người tiêu dùng mong muốn giá hàng hóa, đặc biệt là rau xanh, thực phẩm tươi sống, các dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhanh và nhiều hơn nữa để phù hợp với thị trường và giảm tải áp lực chi phí cho các gia đình.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng tiêu dùng không giảm theo giá xăng dầu và vận tải là bất hợp lý, nguyên nhân chính là khâu trung gian. Cần phải có giải pháp cụ thể cùng chế tài đủ mạnh để đưa hàng hóa về mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, trong cơ cấu giá bán mặt hàng thực phẩm, rau xanh, ngoài chi phí vận chuyển còn phụ thuộc vào giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...Vì vậy rất có thể những tháng cuối năm, các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng giá trở lại. Trên thực tế, sức mua đã tăng trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.300 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý, điều hành giá, đặc biệt là tăng cường nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường, kiểm soát chặt hơn những trường hợp tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, những tháng cuối năm, cơ quan quản lý như Sở Công Thương Hà Nội cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường các mặt hàng thiếu yếu.
https://cand.com.vn/Thi-truong/gia-mot-so-thuc-pham-hang-hoa-thiet-yeu-ha-nhiet-i669592/