Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp tránh “đu đỉnh”

Cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, xung đột chính trị, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến khó lường, giá gạo tăng nóng.

Giá gạo Việt cao nhất thế giới

Trên thị trường xuất khẩu (XK) gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 18/8, giá gạo XK của Việt Nam ở mức 618 USD/tấn, giá gạo 5% tấm ổn định ở mức 628 USD/tấn – mức cao nhất thế giới. Giá các mặt hàng gạo XK của Việt Nam đều cao hơn so với các đối thủ khác như Thái Lan, Pakistan.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8/2023, tổng khối lượng gạo XK của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu USD. Điều này cho thấy, giá XK gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 USD/tấn, mức này đã tăng đáng kể so với con số 543 USD/tấn của tháng 7 và 534 USD/tấn của 7 tháng đầu năm nay.

xk-gao.jpg -0
Hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Giá gạo Việt Nam đang tăng cao nhất thế giới, về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho rằng, giá gạo của nước ta đắt nhất thế giới là một tin vui, tuy nhiên sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá gạo tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng, mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, “các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây”,” PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, khi giá cả các mặt hàng nói chung và mặt hàng gạo nói riêng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích trữ. Do đó, để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải có tích trữ phù hợp. Bên cạnh đó, cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu. Bởi việc bán được hàng hóa với mức giá hấp dẫn cũng là cơ hội không phải khi nào cũng có. Tích trữ là cần thiết, nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, cái mừng lớn nhất là tuy thị trường lúa gạo thế giới biến động lớn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý, trong khi mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong “rổ” tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta. Khi mặt hàng thiết yếu này tăng giá đột ngột sẽ khiến nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ. Do vậy, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, giá cả các loại hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. Giá gạo XK tăng vọt, đồng thời đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động. Đặc biệt là ở các siêu thị và điểm bán hàng bình ổn giá.

Đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thương hiệu gạo

Giá gạo tăng cao là cơ hội cho gạo Việt nhưng các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc chớp thời cơ XK gạo, việc đảm bảo nguồn dự trữ trong nước là rất quan trọng nhằm đảm bảo giá gạo nội địa không tăng quá cao, ảnh hưởng đến dịp mua sắm cuối năm cũng như chỉ số CPI của cả năm nay.

Bên cạnh đó, khi gạo Việt đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt càng cần bình tĩnh. Bởi lẽ, mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn về một phía, một khía cạnh. Trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được.

Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để vụ mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay. Giữ chữ "tín" cũng là việc đặt lên hàng đầu lúc này.

Tại hội nghị XK gạo đầu tháng 8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, XK gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện XK chính ngạch. Cùng với đó, cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể XK, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, XK gạo.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến cáo, cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh XK; tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Ngăn chặn hành vi đầu cơ mặt hàng gạo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Trong đó, có yêu cầu các Cục QLTT địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. (Trân Trân)

https://cand.com.vn/Thi-truong/gia-gao-xuat-khau-tang-manh-doanh-nghiep-tranh-du-dinh-i704664/

Lưu Hiệp / CAND