Tối muộn 24/10, ông Gia nhận được cuộc gọi từ một người liên lạc ở nước ngoài: Ông hiểu cho. Chiếc xe gặp tai nạn, mọi người đều chết, Reuters đưa tin.
Theo Reuters, trong khi cảnh sát Anh chưa công bố bất kỳ thông tin nào về danh tính của các nạn nhân, ông Nguyễn Đình Gia, bố của Nguyễn Đình Lượng, lo ngại rằng con trai mình có thể là 1 trong số 39 nạn nhân thiệt mạng trên xe tải ở Anh.
Tối muộn thứ Năm (24/10), một ngày sau khi xe tải được phát hiện với 39 thi thể ở khu công nghiệp thuộc hạt Essex, phía Đông London, ông Gia nhận được cuộc gọi từ một người liên lạc ở nước ngoài. "Ông hiểu cho. Chiếc xe gặp tai nạn, mọi người đều chết" - ông Gia nhớ lại cuộc gọi.
“Sau cuộc gọi đó. Người này không còn liên lạc lại”, ông Gia cho biết thêm.
Ông Gia nói không biết là ai gọi điện, nhưng đó là người Việt Nam và có thể nằm trong đường dây buôn người đưa con trai ông lên xe container sang Anh.
“Họ nói rằng đây là điều không mong muốn, một điều không may mắn”, ông Gia nói với Reuters. Đây là những thông tin cuối cùng ông Gia nhận được về con trai Nguyễn Đình Lượng (SN 1999), mất tích từ hôm 23/10.
Con trai ông Nguyễn Đình Gia, Nguyễn Đình Lương mất tích từ hôm 23/10. |
Người thân những nạn nhân nghi là mất tích kể về thủ đoạn những kẻ đưa lậu người sang Anh nhận tiền môi giới.
Theo Reuters, ông Bui Thac, có cháu trai Bui Phan Thang nghi nằm trong số những người chết trong container tại Anh, cho biết những nhận tiền thường giấu mặt.
"Thỉnh thoảng họ yêu cầu gặp mặt tại gần trạm xe buýt để nhận tiền", ông Thac nói. "Họ có đường dây chuyển tiền riêng, không qua các ngân hàng."
Những kẻ đưa lậu người vượt biên cung cấp "dịch vụ" với các cấp độ khác nhau, với mức phí khác nhau, từ "cỏ" cho đến "VIP", các gia đình cho biết, theo Reuters.
"Nếu đi theo đường VIP, chỉ có 1% cơ hội bị bắt. Đó là tuyến đường an toàn và đắt đỏ nhất", ông Nguyễn Đình Gia nói.
"Nếu đi theo 'đường cỏ', chắc chắn nó đã thiệt mạng", ông Gia nói. "Chiếc xe trong sự cố này... đó là con 'đường cỏ'."
Theo đó, đi "đường cỏ" nghĩa là đi bằng đường bộ đến châu Âu, hành trình gian khổ có thể kéo dài hàng tháng gắn liền với di chuyển bí mật, bằng ô tô, thậm chí đi bộ. "Họ thường từ Việt Nam vào Trung Quốc, rồi qua Nga" - Mimi Vu, một người hoạt động chống buôn bán người tại TP. HCM cho biết. "Thường họ sẽ đi bằng ô tô, và sau đó họ từ Nga đến một trong những quốc gia láng giềng như Ukraine hoặc Latvia bằng đường bộ, băng qua rừng và núi vào ban đêm."
Trong khi đó, đi "đường VIP" thường liên quan đến việc sử dụng hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu của người khác để bay từ Việt Nam sang châu Âu qua một nước thứ ba. Quá trình này mất nhiều ngày thay vì nhiều tháng, nhưng chi phí cao hơn nhiều, Vu nói thêm.
Ông Gia cho biết, nếu con ông đi theo "đường cỏ" sẽ mất 3.000 bảng để đi từ Pháp đến Anh, còn đường VIP mất 11.000 bảng.
Hành trình của những người di cư thường được chia thành các giai đoạn. Cuối mỗi giai đoạn, kẻ buôn người yêu cầu gia đình trả tiền mặt trước khi sang giai đoạn mới. Khi Lương từ Đức đi Pháp, bố anh được yêu cầu trả 18.000 USD tiền mặt cho chuyến đi tính đến nay.
"Một người nào đó gọi cho tôi và một người đàn ông xuất hiện trong một chiếc xe và lấy tiền", ông Gia nói. "Đó là một người đàn ông, khoảng 30 tuổi."
"Khi Lương gọi về nhà nói đã đến nơi an toàn, đó là tín hiệu để chúng tôi chuẩn bị tiền." Lương sống ở Pháp gần 18 tháng, làm việc bất hợp pháp tại một nhà hàng.
Hai ngày trước khi con trai mất tích, ông Gia nhận được cuộc gọi từ Lương, nói rằng sẽ đến Paris để gia nhập nhóm người đến Anh. “Tôi nói ‘không con đừng đi đâu cả, cứ ở đó’, nhưng Lượng nói đó là con đường an toàn”, ông Gia kể lại với Reuters.
“Con trai nói chưa biết sẽ làm việc gì ở Anh, nhưng cứ đến đó đã”, ông Gia kể lại. 3 ngày sau, ông Gia nhận được cuộc điện thoại thông báo về cái chết của con trai.
(Nguồn: Reuters)