Các doanh nghiệp phát điện có phải thu cao từ EVN và nhóm xây lắp hạ tầng điện được đánh giá sẽ hưởng lợi khi tình hình tài chính của tập đoàn được cải thiện.
Ngày 9/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân lên 2.006đ/kWh, tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại. Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%.
Theo báo cáo mới nhất, Chứng khoán MBS cho rằng đợt tăng giá dù chưa đủ giúp EVN có lãi trong năm 2023 nhưng sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho tập đoàn.
Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong ngành điện, tình hình tài chính của EVN ảnh hưởng lên nhiều khâu trong chuỗi giá trị, bao gồm thanh toán cho các nhà máy phát điện, đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải, đàm phán PPA với các nhà máy và tỷ trọng huy động các nguồn điện trong hệ thống.
Từ năm 2022, khoản phải thu của các doanh nghiệp phát điện bắt đầu có xu hướng tăng mạnh khi nền giá đầu vào thế giới bắt đầu tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính. Nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn như POW, PGV, NT2, QTP, HND ghi nhận mức tăng mạnh nhất do giá bán điện cao. Đây cũng là các doanh nghiệp có tỷ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành, chủ yếu là phải thu từ EVN.
Theo MBS, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện kể trên. Ngoài ra, EVN tăng giá điện cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trở triển vọng sản lượng của các nhà máy này phục hồi trong thời gian tới.
Trong khi đó, 2022-23 cũng là giai đoạn rất khó khăn với các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, hầu như không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, chính sách giá cho năng lượng tái tạo vướng mắc và dòng tiền cho các dự án cũng bị giãn đoạn. Đa phần các doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị back-log ký mới không cao khiEVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện.
Với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5-1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình để thực hiện hóa điều này. Do đó, MBS cho rằng hoạt động xây lắp hạ tầng điện sẽ tích cực hơn vàcác doanh nghiệp nổi bật trên sàn như PC1, TV2 sẽ được hưởng lợi.
Mặt khác, báo cáo của MBS cũng chỉ ra một số nhóm ngành sản suất như sắt, thép (HPG, TVN, POM…), xi măng (HTC, BCC…), hoá chất (DGC, CSV…) có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng giá điện của EVN. Đây là những doanh nghiệp mà giá điện chiếm tỷ trọng khá lớn (từ 9-15%) trong giá vốn, chi phí sản xuất.
Theo MBS, vẫn còn nhiều dư địa để EVN tiếp tục tăng giá điện khi từ đầu năm Bộ Công Thương đã chính thức điều chỉnh tăng khung xác định giá bán lẻ điện lên 1.826-2.444 đồng/kWh (tương đương dư địa tăng giá còn lại là 21%). Ngoài ra, dự thảo về cơ chế tính giá điện mới nếu được thông qua sẽ là cơ sở để EVN tiếp tục tăng giá điện.
Theo đó, dự thảo quy định EVN được đề xuất điều chỉnh tăng, giảm giá theo biên độ mỗi 3 tháng, tương ứng với những thay đổi về chi phí sản xuất điện, sau khi đã được Bộ Công Thương rà soát và kiểm tra. Tuy nhiên, MBS cũng nhấn mạnh việc đưa ra quyết định tăng giá điện cần đánh giá nhiều yếu tố.