Người dân đặt câu hỏi, với mức giá giường bệnh tới 4.000.000 đồng, tương đương giá giường bệnh viện tư, liệu chất lượng ở các bệnh viện công lập có tốt bằng không?
4h sáng, ông Nguyễn Trường Thịnh (62 tuổi, Tam Điệp, Ninh Bình) lật đật thức dậy để chuẩn bị bắt xe khách lên Hà Nội khám định kỳ. Ông được phát hiện mắc bệnh lý về tim mạch cách đây 4 năm, từng trải qua tiểu phẫu, do đó để đảm bảo sức khoẻ, định kỳ 1 tháng sẽ phải tái khám 1 - 2 lần.
Theo đúng tuyến bảo hiểm y tế, ông sẽ khám ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên do không thật sự yên tâm về bệnh lý nên thường lên Hà Nội khám ở các bệnh viện tuyến trung ương. Mỗi lần vượt tuyến như vậy, ông phải chi từ 150.000 – 2.000.000 đồng để khám theo yêu cầu.
Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. (Ảnh: Như Loan)
"Dù bắt xe khách từ Ninh Bình lên Hà Nội xếp hàng lấy số khám từ sáng sớm nhưng tôi vẫn phải chờ, có khi đến gần trưa mới được khám vì số lượng người khám theo yêu cầu cũng rất đông. Phần lớn những người khám theo yêu cầu đều từ tỉnh lẻ xa xôi về Hà Nội, muốn khám nhanh để có kết quả, kịp đi về trong ngày", ông nói và cho biết chấp nhận khám đắt một chút còn hơn ngồi đợi khám thường, có khi cả ngày chưa xong, các bệnh viện trung ương 100% đều quá tải.
Ông Thịnh là cán bộ nghỉ chế độ với mức lương hưu mỗi tháng vỏn vẹn chỉ hơn 3.500.000 đồng, số tiền này cũng chỉ đủ tiền đi khám bệnh, thuốc thang. Chưa kể, tháng nào bác sĩ yêu cầu đổi thuốc mới hay làm thêm xét nghiệm thì lại thâm hụt vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Thế nhưng, gần đây, các bệnh viện bắt đầu rục rịch tăng giá khám theo yêu cầu gấp 2 - 4 lần so với trước đây, khiến ông càng lo lắng hơn sẽ không đủ kinh tế để lên Hà Nội khám vượt tuyến.
"Giá khám theo yêu cầu mới cao, những người thu nhập thấp và trung bình sẽ khó có thể tiếp cận với các chuyên gia cũng như các dịch vụ y tế tốt", ông nói và mong các bệnh viện khi xây dựng khung giá cần cân nhắc sao cho phù hợp, thuận lợi theo mặt bằng chung nhân dân.
Theo quy định của Bộ Y tế, khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8. Theo đó, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, có giá tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa 500.000 đồng mỗi lượt. Cơ sở khám, chữa bệnh khác, tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) đối với loại phòng một giường giá tối đa 4 triệu đồng/1 ngày đêm; ba triệu đồng một giường cho loại phòng đôi; 2,4 triệu đồng một giường loại phòng ba.
Đây là lần đầu tiên ngành Y tế có khung giá chung cho dịch vụ khám, chữa bệnh dịch vụ. Trước đây, các bệnh viện sẽ tự đặt ra mức giá khám, điều trị dịch vụ trên căn cứ chất lượng y bác sĩ, chất lượng cơ sở vật chất.
Bà Hoàng Bích Thuỷ (48 tuổi, Thái Nguyên) cũng lo lắng việc các bệnh viện tăng giá khám theo yêu cầu khiến người bệnh đã khó càng khó khăn hơn. "Kinh tế đang khó khăn, với những người lao động thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng như chúng tôi sẽ ngày càng khó tiếp nhận với dịch vụ chất lượng tốt ở các bệnh viện", bà chia sẻ.
Trong khi đó, bà Đỗ Tuyết Mai (57 tuổi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) phần nào đồng thuận việc các bệnh viện dự kiến tăng giá giá khám, chữa bệnh bệnh theo yêu cầu. Quan trọng hơn hết khung giá khám này áp dụng cho các bệnh viện cả nước, sẽ không còn xảy ra tình trạng loạn giá khám giữa các cơ sở y tế.
Tuy nhiên bà trăn trở đặt câu hỏi khi tiền khám dịch vụ tăng thì chất lượng có tăng theo?
Theo mức giá mới được một số bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội dự kiến áp dụng giá giường bệnh yêu cầu quá cao, cao hơn so với khách sạn 4 - 5 sao mà dịch vụ trong phòng lại không bằng. “Nếu bỏ ra số tiền lớn mà được khám, điều trị bởi bác sĩ giỏi là tốt, nhưng liệu rằng chất lượng có được như mong đợi, việc phục vụ có thật sự xứng đáng", bà nói và so sánh mức giá mới này gần tương đương với một số bệnh viện tư nhân dịch vụ tốt đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Để tạo công bằng cho nhân dân, Thông tư 13 của Bộ Y tế cũng quy định, phải đảm bảo các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành tỷ lệ thời gian nhất định, tối thiểu 70%, để khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm. Tức tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Ngoài việc đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo quy định về khám chữa bệnh, các cơ sở y tế phải đáp ứng các quy định về diện tích chỗ khám, đảm bảo bác sĩ, chuyên gia khám tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ.
Đại diện Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết trước khi ban hành thông tư quy định khung giá, Bộ đã khảo sát gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện đến trung ương. Việc xây dựng khung giá lần này phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay, đại diện Bộ cho hay.
Nhiều năm qua, các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu, song mỗi cơ sở thực hiện khác nhau, không thống nhất, chưa theo hướng dẫn cụ thể. Bộ Y tế giải thích khung giá mới "nhằm siết chặt lại chứ không cho phép thực hiện ồ ạt".
Sau khi khung giá này ban hành, các bệnh viện sẽ xây dựng khung riêng của đơn vị, sau đó trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng chính thức.
https://vtc.vn/gia-dich-vu-y-te-tang-gan-bang-benh-vien-tu-chat-luong-co-tuong-duong-ar813304.html