- Giá dầu thế giới lại tăng, giá xăng trong nước sẽ ra sao?
- Giá dầu thế giới thấp nhất trong năm, xăng trong nước sắp giảm mạnh?
Giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong các phiên giao dịch đầu năm 2023 trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu.
Ngày 5/1, Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích Ed Moya cho biết giá dầu thế giới đầu năm 2023 giảm mạnh trước những tác động từ thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.
Chuyên gia Ed Moya phân tích, nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nước này. Dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách kiểm soát dịch nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khó có thể như trước trong bối cảnh hiện tại.
Chỉ trong 2 ngày giao dịch đầu năm 2023, giá dầu thế giới đã giảm hơn 9%, mức giảm trong 2 phiên mạnh nhất kể từ năm 1991. (Ảnh: Reuters)
Dầu ngọt nhẹ - “West Texas Middle” (WTI) trong phiên giao dịch ngày 4/1 tại New York đã giảm 4,9 USD, tương đương 5,3%, xuống còn 72,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giao dịch tại Mỹ đã giảm ít nhất 10% chỉ trong vài ngày đầu năm 2023 dù trước đó có tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022.
Còn dầu Brent giao dịch tại London ngày 4/1 giảm 4,26 USD, tương đương 5,2%, xuống mức 77,84 USD/thùng sau khi chạm mức thấp nhất còn trong ba tuần xuống 77,74 USD. Dầu Brent đóng vai trò như thước đo tiêu chuẩn cho thị trường dầu thô toàn cầu, chỉ trong 2 ngày đầu năm 2023 giá dầu Brent đã giảm hơn 9,4%. Trong phiên giao dịch cuối năm 2022, dầu Brent có tăng khoảng 10,5%.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày giao dịch đầu năm 2023, giá dầu Brent đã giảm khoảng 9,4%, mức giảm trong 2 phiên mạnh nhất kể từ tháng 1/1991, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tại Mizuho ở New York, cho rằng giá dầu giảm mạnh là do lo ngại về các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở Trung Quốc cũng như dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Tình trạng của nền kinh tế toàn cầu và các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương cũng đang ảnh hưởng đến giá dầu.
"Những lo ngại về tình trạng kinh tế toàn cầu luôn là tâm điểm của các nhà giao dịch và điều này sẽ còn tồn tại trong tương lai gần", nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nói.
Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 12, tháng giảm thứ hai liên tiếp, từ 49,0 điểm của tháng 11 xuống 48,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Giá dầu giảm mạnh cũng do lo ngại nhu cầu yếu đi. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt đầu tiên cho năm 2023, báo hiệu kỳ vọng về nhu cầu của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sẽ ít hơn.
Ngược lại ở phía cung, tình trạng dư cung tiếp tục bao phủ thị trường khiến Ả Rập Xê-út dự kiến giảm giá dầu thô ngọt nhẹ xuất sang châu Á trong tháng 2 tới, dù loại dầu này đang ở mức giá thấp nhất trong 10 tháng.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 12/2022, bất chấp thỏa thuận của liên minh OPEC + là cắt giảm mục tiêu sản lượng để hỗ trợ thị trường.
Cuộc khảo sát cho thấy, trong tháng trước, OPEC đã bơm 29 triệu thùng/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 11/2022. Trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ có khả năng tăng 1,2 triệu thùng trong tuần trước, song dự trữ sản phẩm chưng cất dự kiến sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo số liệu của Viện dầu khí Mỹ, con số trên có vẻ tăng nhiều hơn. Theo đó, dự trữ dầu thô của Mỹ có thể tăng 3,3 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng.
https://vtc.vn/gia-dau-the-gioi-giam-10-chi-trong-tuan-dau-tien-nam-2023-ar725064.html