WTI và Brent đều tăng hơn 7% lên đỉnh 2 tháng, sau kết quả thử nghiệm vaccine khả quan, hoạt động kinh tế hồi phục và OPEC+ giảm sản xuất.
Chốt phiên 18/5, dầu thô Brent tăng 7,1% lên 34,8 USD một thùng. Trong khi đó, dầu thô Mỹ WTI tăng 8,1% lên 31,82 USD.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 11/3 - thời điểm giá bắt đầu lao dốc do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt thỏa thuận gia hạn giảm sản xuất. "WTI mất hơn hai tháng để dọn dẹp tàn dư từ sự kiện này", Bob Yawger - Giám đốc Hợp đồng tương lai Năng lượng tại Mizuho nhận định.
Nửa đầu tháng 5, OPEC+ đã giảm xuất khẩu dầu mỏ mạnh tay, các công ty theo dõi lượng hàng hóa xuất đi cho biết. Việc này cho thấy các nước tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận cắt giản sản xuất mới.
Theo đó, kể từ ngày 1/5, OPEC+ giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng một ngày. Riêng Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - tuần trước công bố sẽ giảm thêm 1 triệu thùng nữa trong tháng 6.
Hợp đồng WTI giao tháng 6 sẽ đáo hạn vào hôm nay. Đà tăng gần đây của WTI cũng đồng nghĩa mức giảm kỷ lục, xuống âm gần 40 USD tháng trước, sẽ không lặp lại.
Tại Mỹ, quá trình mở cửa nền kinh tế cũng đang diễn ra từ từ. Ngày càng nhiều người Mỹ thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Thị trường chứng khoán nước này cũng tăng điểm nhờ các kết quả thử nghiệm sớm với một loại vaccine Covid-19 tiềm năng. Dữ liệu từ Moderna hôm qua cho thấy loại vaccine đầu tiên được thử nghiệm tại Mỹ có kết quả tích cực, khi sản sinh kháng thể cho một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh.
Nhiều cửa hàng và nhà hàng ở Italy cũng đã mở trở lại hôm qua. Các tâm dịch khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã dần gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.
Giá dầu thế giới giảm trước lo ngại về đợt bùng phát thứ hai COVID-19
Khép lại phiên giao dịch 11/5, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,34 USD, hay 4,3%, xuống 29,63 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt ... |