Ghép tế bào gốc cứu sống 20 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo

Sáng 21/1, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã tổ chức xuất viện cho cháu T.T.Ph. (SN 2019, trú ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao vừa được các bác sĩ Bệnh viện thực hiện ca ghép tủy thành công.

Từ tháng 11/2019 đến nay, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện T.Ư Huế đã triển khai ghép tế bào gốc tự thân cho 20 trường hợp bệnh nhi từ 2 đến 8 tuổi đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Kiên Giang, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó có 18 ca bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, 1 ca u nguyên bào võng mạc di căn và một ca Burkitt Lymphoma tái phát. Các ca ghép tế bào gốc trên bệnh nhi bị u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát là những ca đầu tiên của Việt nam được thực hiện tại Bệnh viện T.Ư Huế.

Ghép tế báo gốc cứu sống 20 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo -0

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế tặng quà cho bệnh nhi trong ngày xuất viện sau ca ghép tủy thành công.

Với phương pháp ghép tế bào gốc có thể chữa lành đến 20-40% cho các trẻ bị bệnh Burkitt Lymphoma tái phát và 80% cho các trẻ u nguyên bào võng mạc di căn, đến nay các trẻ đều khỏe mạnh và vẫn được các bác sĩ theo dõi tái khám thường xuyên.

Để thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc cho bệnh nhi, hàng tuần, Bệnh viện T.Ư Huế tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa để lên kế hoạch điều trị đa mô thức cho bệnh nhi theo đúng phác đồ. Trong quá trình ghép, bệnh nhi được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Các trẻ sau ghép đều được tiến hành xạ trị theo phác đồ để mang lại kết quả điều trị cao nhất.

Ghép tế báo gốc cứu sống 20 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo -0

Đến nay, Bệnh viện T.Ư Huế đã ghép tế bào gốc tự thân cho 20 trường hợp bệnh nhi từ 2 đến 8 tuổi mắc các chứng bệnh hiểm nghèo.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, thành công của 20 ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhi đã khẳng định thương hiệu của Bệnh viện trong lĩnh vực ghép tế bào gốc. Hiện kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy, chuyên nghiệp, bài bản trên các bệnh nhi có chỉ định. Trong tương lai, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc và triển khai thêm ghép tủy đồng loại nhằm cứu sống thêm nhiều trẻ em không may mắc các bệnh hiểm nghèo.

Anh Khoa

Gần 5.000 người xếp hàng chờ hiến tế bào gốc cứu cậu bé 5 tuổi ở Anh Gần 5.000 người xếp hàng chờ hiến tế bào gốc cứu cậu bé 5 tuổi ở Anh
Có cần thiết lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con? Có cần thiết lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con?

/ cand.com.vn