Gần 86 triệu ca Covid-19 toàn cầu, EU hoãn phê duyệt vaccine của Moderna

Thế giới ghi nhận gần 86 triệu ca nCoV với hơn 1,85 triệu người chết, trong khi EU đình chỉ phê duyệt vaccine của Moderna.

Thế giới ghi nhận 85.994.337 ca nhiễm và 1.859.091 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 538.866 và 8.979 ca một ngày, trong khi 60.935.527 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 4/1 đình chỉ phê duyệt vaccine của Moderna, dù đã tiến hành một cuộc họp đặc biệt trong bối cảnh chỉ trích gia tăng về việc khối triển khai vaccine chậm chạp. EMA cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán vào 6/1 để xác định có bật đèn xanh cho loại vaccine thứ hai được sử dụng ở EU hay không.

Dù đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 27/12, tiến độ của EU vẫn chậm hơn nhiều so với Mỹ, Anh hay Israel. Ủy ban châu Âu trước đó bảo vệ khối này trước chỉ trích về việc triển khai chậm chạp, và cho biết kế hoạch của họ sẽ khiến EU vượt qua "những khó khăn phát sinh".

Vacine Pfizer/BioNTech hiện là vaccine duy nhất hiện được phép sử dụng ở EU từ khi được EMA cấp phép nhanh chóng ngày 21/12. Mỹ sử dụng loại vaccine này bên cạnh vaccine của Moderna, trong khi Anh mới đây cũng đã phê duyệt thêm vaccine của AstraZeneca.

5414 brazil 2552 1609803116
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân Covid-19 ở Manaus, bang Amazonas, Brazil hôm 4/1. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 149.874 ca nhiễm và 1.528 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 21.270.909, trong đó 361.673 người chết. Nước này khép lại năm 2020 với tháng 12 chết chóc nhất và có số ca lây nhiễm nhiều nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát. Hơn 77.000 người đã chết và 6,4 triệu người nhiễm virus trong tháng cuối cùng của năm 2020, vượt qua con số kỷ lục được ghi nhận trước đó vào tháng 4/2020 với 58.000 người chết.

Giới chức y tế công cộng ngày 3/1 cảnh báo những ngày tai họa vẫn còn ở phía trước khi mà số ca nhiễm mới mỗi ngày có thể tiếp tục tăng liên quan đến hoạt động tụ tập, họp mặt kỳ nghỉ lễ.

"Đó là một viễn cảnh tồi tệ, không may nhưng đã được dự đoán trước", tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho biết.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.278 ca nhiễm và 200 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.357.569 và 149.886.

Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn trong vài tuần nữa với chủ đạo là vaccine AstraZeneca/Oxford, trong khi vaccine COVAXIN sẽ được quản lý với điều kiện nghiêm ngặt hơn do chưa có dữ liệu nào về tính hiệu quả của nó được công bố.

Theo lãnh đạo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ V.G. Somani vaccine AstraZeneca/Oxford đạt hiệu quả ở mức 70,42% còn vaccine COVAXIN "đủ an toàn và cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ".

Somani giải thích rằng vaccine của Bharat Biotech được phê duyệt "vì lợi ích cộng đồng, như một biện pháp phòng ngừa... để có nhiều lựa chọn hơn cho việc tiêm chủng, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm chủng virus đột biến".

Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 tới ngày 7/1 do lo ngại nguy cơ lây lan chủng nCoV mới, nhưng khoảng 33.000 hành khách đã bay đến từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 543 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 196.561. Số người nhiễm nCoV tăng 20.006 ca trong 24 giờ qua, lên 7.753.752.

Với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.

Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa cho biết đã phê chuẩn nhập khẩu hai triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford dù vaccine này chưa được chấp thuận sử dụng cho tiêm chủng đại trà.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 23.351 ca nhiễm nCoV và 482 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.260.138 và 58.988.

Trong bài phát biểu năm mới 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước. "Thật không may khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuộc chiến chống lại nó không thể ngừng nghỉ trong một phút giây nào", ông nói.

Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết Nga đã sản xuất tổng cộng hơn 2 triệu liều Sputnik V và phân phối một triệu liều trong nước trước khi kết thúc năm 2020.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 2,713,563 ca nhiễm và 75,431 ca tử vong, tăng lần lượt 58,784 và 407 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tối 4/1 thông báo tái phong tỏa toàn quốc, kêu gọi người dân ở nhà và đóng cửa trường học để kiểm soát biến chủng nCoV siêu lây nhiễm. Thủ tướng Johnson cho rằng biến chủng nCoV mới đang lây lan với tốc độ rất nhanh, buộc London áp dụng những hành động kịp thời để chặn đà lây lan và ngăn hệ thống y tế vỡ trận trước khi chương trình tiêm chủng vaccine đạt số lượng cần thiết.

Theo lệnh phong tỏa mới, toàn bộ cửa hàng không thiết yếu và cơ sở tiếp đón khách sẽ tiếp tục đóng cửa. Trường tiểu học và trung học sẽ đóng cửa từ ngày 5/1, chỉ tiếp nhận học sinh dễ tổn thương hoặc con của những lao động thiết yếu trong xã hội. Biện pháp mới này đồng nghĩa với việc khó tổ chức những đợt thi cuối cùng cho học sinh vào mùa hè, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giáo dục trong hai năm liên tiếp.

Thủ tướng Johnson cho biết các lệnh phong tỏa có thể được nới lỏng từ giữa tháng 2, nếu chương trình tiêm vaccine diễn ra theo kế hoạch và số ca tử vong mới giảm dần. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến cáo cẩn trọng với mốc thời gian này và kêu gọi người dân tuân thủ quy định hạn chế.

Trong thông điệp năm mới đêm 31/12, Johnson cho biết Anh phải đối mặt với "cuộc chiến khó khăn" trong những tháng tới, nhưng tin rằng quốc gia này sẽ "thoát bóng ma" Covid-19 trong năm 2021.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.022 ca nhiễm và 378 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.659.750 và 65.415.

Pháp ngày 31/12 lần đầu ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Nam Phi, là một người ở vùng Haut-Rhin, gần biên giới Thụy Sĩ, mới trở về từ quốc gia châu Phi này. Chủng 501.V2 được giới chức Nam Phi phát hiện từ giữa tháng 12. Trước đó, ngày 25/12, Pháp ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.

Kể từ 2/1, Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn tại 15 khu hành chính đông bắc và đông nam, bắt đầu từ 18h thay vì 20h. Pháp đang bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Chưa đến 200 người được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ở nước này.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran ngày 1/1 thông báo kế hoạch mở rộng chiến dịch tiêm chủng vốn chỉ nhắm mục tiêu vào cư dân viện dưỡng lão và nhân viên y tế trên 65 tuổi. Veran nói rằng kể từ 4/1, nhân viên y tế trên 50 tuổi cũng được tiêm vaccine.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 55.650 người chết, tăng 110, trong tổng số 1.249.507 ca nhiễm, tăng 6.073.

Iran hôm 29/12 khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với loại vaccine Covid-19 do nước này tự phát triển, bằng việc tiến hành tiêm cho ba người trên truyền hình. Nhóm tình nguyện viên này bao gồm hai quan chức cấp cao và con gái chủ tịch Tập đoàn EIKO, nhà tài trợ cho dự án vaccine.

Ngoài ra, Iran đang tiếp tục phát triển một loại vaccine khác, đồng thời đặt khoảng 16,8 triệu liều thông qua Covax, cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập.

Hàn Quốc ghi nhận 1.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 64.264, trong đó 981 ca tử vong, tăng 9 ca so với hôm trước.

Chính phủ Hàn Quốc tuần qua bổ sung các hạn chế mới như cấm tụ tập trên 4 người, đồng thời đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các môn thể thao du lịch, nhằm ngăn chặn virus lây lan trong dịp Giáng sinh và năm mới. Nước này cũng tuyên bố đẩy nhanh công tác tiêm chủng Covid-19, sau khi phát hiện ra những ca đầu tiên của biến chủng nCoV liên quan đến Anh.

Trái ngược với cảnh người chen chúc đón năm mới như những năm trước, đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc đêm qua vắng tanh do các hạn chế ngăn Covid-19. Những địa điểm nổi tiếng cũng không có bóng người, chỉ có những tốp cảnh sát làm nhiệm vụ để ngăn người dân tụ tập.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 772.103 ca nhiễm, tăng 6.753, trong đó 22.911 người chết, tăng 177. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 29/12 cho biết nước này đang hoàn tất các thoả thuận mua 50 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer và AstraZeneca. Ông Sadikin nói thêm rằng 1,3 triệu nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. 500 người trong số họ đã tử vong vì Covid-19.

Hôm 31/12, Indonesia nhận 1,8 triệu liều vaccine Trung Quốc Sinovac. Đây là lô thứ hai sau khi họ nhận 1,2 triệu người hôm 6/12. Tổng cộng, Indonesia đã bảo đảm 329 triệu liều vaccine, trong đó có khoảng 125 triệu liều từ Sinovac, 50 triệu từ Novavax và 54 triệu từ chương trình vắc xin toàn cầu Covax. Mục tiêu của Indonesia là tiêm chủng miễn phí cho toàn bộ 267 triệu dân.

Philippines báo cáo 478.761 ca nhiễm và 9.263 ca tử vong, tăng lần lượt 959 và 6 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Quan chức Philippines tuần trước cho biết một số bộ trưởng và binh sĩ đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng với số lượng không lớn. Quan chức không cho biết loại vaccine được sử dụng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Bộ Y tế hôm 28/12 đều cảnh báo phản đối việc sử dụng vaccine chưa được phê duyệt và việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán vaccine chưa được phê duyệt là bất hợp pháp.

Kể từ 2/1, Philippines cấm người đến từ Mỹ sau khi nước này phát hiện thêm ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh. Trước đó, Manila đã ra lệnh cấm nhập cảnh với hành khách từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện chủng mới từ 29/12.

Thái Lan ghi nhận thêm 745 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.439, trong đó 65 người chết, tăng một trường hợp so với hôm trước.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 4/1 thông báo 28 tỉnh, gồm thủ đô Bangkok, là khu vực nguy cơ cao và yêu cầu người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập hoặc đi khỏi tỉnh của họ khi ca nhiễm tăng lên sau đợt bùng phát được phát hiện tháng trước tại một chợ hải sản gần Bangkok.

Chính quyền Bangkok đã ra lệnh cho các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố tạm dừng dịch vụ ăn uống từ 19h đến 6h hôm sau, bắt đầu từ 5/1, để giảm nguy cơ virus lây lan. Người dân được phép mua đồ ăn mang đi.

Việc bán rượu trong các nhà hàng bị cấm và các quán bar cũng như các tụ điểm giải trí ở các tỉnh nguy cơ cao đã phải đóng cửa. Các thống đốc tỉnh được trao quyền áp đặt các hạn chế riêng ở địa phương. Các trường học và trung tâm giáo dục trên toàn quốc đã bị đóng cửa trong một tháng.

Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bắt nguồn từ một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, gần thủ đô Bangkok. Giới chức hôm 25/12 cảnh báo nếu không thực hiện giãn cách xã hội, cùng nhiều biện pháp phòng dịch khác, Thái Lan có nguy cơ phải đóng cửa toàn quốc vào tháng 3 tới.

Singapore ghi nhận 58.721 ca nhiễm, tăng 24 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong duy trì ở mức 29.

Đảo quốc này ngày 30/12 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 của Pfizer, ưu tiên nhân viên y tế, người cao tuổi. Chính phủ dự kiến có đủ vaccine cho 5,7 triệu công dân vào quý 3/2021, theo đó người dân Singapore và người nước ngoài định cư lâu dài được tiêm miễn phí.

Huyền Lê (The AFP, Worldometer)

Ca nCoV toàn cầu gần 85 triệu, Mỹ trải qua tháng chết chóc nhất Ca nCoV toàn cầu gần 85 triệu, Mỹ trải qua tháng chết chóc nhất

Thế giới ghi nhận gần 85 triệu ca nCoV, trong đó hơn 1,84 triệu người chết. Mỹ trải qua tháng 12 với số ca nhiễm ...

/ vnexpress.net