Gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường: Nguy hại thế nào, làm sao để nhận biết?

Sữa bột giả tràn lan đang đe dọa sức khỏe trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, với nguy cơ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và ngộ độc cấp.

Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... do 2 công ty Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó...Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.

Trẻ có thể suy dinh dưỡng, ngộ độc vì sữa giả

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện thị trường sữa bột đang bị xáo trộn bởi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người dùng là trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch và tiêu hóa còn non yếu.

Tùy vào thành phần pha trộn, sữa bột giả có thể gây hại ở nhiều mức độ. Nếu tỷ lệ dinh dưỡng không đúng chuẩn, trẻ uống vào sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Nguy hiểm hơn, quy trình sản xuất không đảm bảo có thể khiến vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tiêu chảy cấp, ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Đồng quan điểm, Ths.BS Đỗ Hữu Hanh, Trung Tâm Dinh Dưỡng Hà Nội nói, khi sử dụng sữa bột giả, không đủ dinh dưỡng hoặc chứa chất độc hại, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, thậm chí suy thận cấp nếu ngộ độc melamine.

Nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sút cân nhanh, kèm tiêu chảy sau khi cha mẹ đổi sữa. Khi phụ huynh xem lại loại sữa bột mới mua cho con uống thì mới tá hỏa khi biết đó là hàng giả, được bán trôi nổi trên mạng xã hội với giá rẻ bất thường.

Điều nguy hiểm là phụ huynh thường không hề nghi ngờ nguồn sữa mình mua. Họ tin tưởng vì bao bì đẹp, nhãn mác đầy đủ, mua từ người quen hoặc các trang mạng có quảng cáo bắt mắt.

"Trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy, nôn ói hay chậm tăng cân, nhiều người lầm tưởng do cơ địa yếu, không hợp sữa, mà không nghĩ đến khả năng sản phẩm bị làm giả hay kém chất lượng”, bác sĩ Đỗ Hữu Hanh nhấn mạnh.

Một hộp sữa bột giả. (Ảnh: VTV)

Một hộp sữa bột giả. (Ảnh: VTV)

Cách phân biệt sữa thật và sữa giả

Việc phân biệt sữa thật - giả bằng mắt thường không dễ, nhất là với các sản phẩm bị làm giả tinh vi. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận diện qua một số dấu hiệu sau:

 

Quan sát bên ngoài

Mã vạch sản phẩm: Kiểm tra kỹ mã vạch trên bao bì. Ví dụ: hàng Mỹ có mã từ 000–039, Nhật là 450–459 hoặc 490–499, Trung Quốc là 690–695... Với sản phẩm nhập khẩu, cần có tem phụ và hướng dẫn tiếng Việt của nhà phân phối chính thức.

Hạn sử dụng: Sữa thật thường có hạn sử dụng được in dập nổi, rõ ràng. Ngược lại, sữa giả có thể bị tẩy xóa, in chồng hoặc mờ nhòe.

Bao bì: Sữa chính hãng có bao bì nguyên vẹn, chữ in sắc nét, không mờ nhạt. Hộp sữa không bị méo mó, trầy xước. Sữa giả có thể có hình ảnh mờ, tem nhãn thiếu thông tin, vỏ hộp có dấu hiệu bị bóp méo.

Quan sát bên trong

Mùi và màu sắc: Sữa thật có mùi thơm dịu, bột mềm mịn, màu vàng nhạt. Sữa giả có thể có mùi lạ, bột bị vón cục, màu sắc bất thường.

Lưu ý khi chọn sữa cho trẻ

Bác sĩ Hanh khuyến cáo phụ huynh cần nâng cao cảnh giác khi chọn mua sữa cho trẻ:

- Chỉ mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị uy tín.

- Kiểm tra kỹ bao bì, mã QR, hạn sử dụng, đặc biệt là niêm phong nắp hộp.

- Quan sát biểu hiện của trẻ sau khi dùng một loại sữa mới, nếu có dấu hiệu lạ như tiêu chảy, nôn ói, lừ đừ… cần dừng ngay và đưa trẻ đi khám.

- Không nên ham rẻ, tránh mua hàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đang tăng cường kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả. Người tiêu dùng khi phát hiện dấu hiệu bất thường có thể báo tới đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường.

“Sức khỏe của trẻ nhỏ không thể đem ra đánh cược với những hộp sữa không rõ nguồn gốc. Một phút chủ quan có thể dẫn đến hậu quả lâu dài”, bác sĩ Đỗ Hữu Hanh nói.

https://vtcnews.vn/gan-600-loai-sua-gia-tuon-ra-thi-truong-nguy-hai-the-nao-lam-sao-de-nhan-biet-ar937515.html

THANH TÂM - Như Loan / VTC News