6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã có 4.099 ca cấp cứu do đánh nhau và có 2.254 trường hợp phải nhập viện điều trị/theo dõi, 11 trường hợp bị tử vong.
Thông tin từ cục Quản lý Khám, chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã có 4.099 ca cấp cứu do đánh nhau. Trong đó, có 2.254 ca (55%) phải nhập viện điều trị/theo dõi và 11 trường hợp bị tử vong.
Trong ngày mùng 3 Tết, tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 639 trường hợp, giảm 18,3% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 431 trường hợp, giảm 8,1% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018, số ca xác định do rượu/bia là 59 trường hợp, giảm 20,3%, có 115 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, không có ca tử vong, so với 2 ca cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã có 4.099 ca cấp cứu do đánh nhau. |
Số liệu thống kê từ các bệnh viện cũng cho thấy, tính đến 7h sáng mùng 4 Tết đã có 35.366 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 19,4% trong tổng số ca khám, cấp cứu trong dịp Tết. Trong đó 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi, và 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện.
Riêng trong ngày mùng 3 Tết, tổng số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 6.247 trường hợp, giảm 12,9% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 2.344 trường hợp, giảm 4,1% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, chuyển tuyến trên điều trị 586 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện là 24 ca, giảm 8 ca (-25%) so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 500 trường hợp, giảm 13,3% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018, trong đó 115 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia giảm 13,5% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất. Ghi nhận 93 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, tăng 14,8% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Như vậy trong 6 ngày Tết Nguyên đán đã có 2.517 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 1,4% trong tổng số ca khám, cấp cứu. Trong đó, 666 ca ngộ độc rượu, bia, 579 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.
Tính đến 7 giờ ngày 8/2, tại các cơ sở khám chữa bệnh còn tổng số 99.522 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 41.916 bệnh nhân, nhập viện điều trị nội trú 28.897 bệnh nhân, chuyển viện 2.472 bệnh nhân, thực hiện 2.465 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 42 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân. Các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.348 trẻ chào đời; cho xuất viện 15.052 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết.
Theo báo Thanh Niên, liên quan đến công tác chống dịch, bộ Y tế xác nhận xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết tại một số địa phương như: An Giang có 1 ổ dịch tại xã Phú Hội - An Phú; Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 ổ dịch tại phường 7, TP. Vũng Tàu; Bến Tre có 6 ổ dịch đã theo dõi, xử lý tại huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre, huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri và 2 ổ dịch khác đang chờ xác minh tại TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Đáng lưu ý, đã xuất hiện 1 ổ dịch quai bị tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị đã xử lý các ổ dịch theo quy định.
Phong Linh (tổng hợp)
112 người tử vong do tai nạn giao thông trong 6 ngày nghỉ Tết
Văn phòng Bộ Công an cho biết trong 6 ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông làm chết 112 ... |