Gần 2.000 người thiệt mạng vì nắng nóng ở châu Âu

Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết đợt nắng nóng kéo dài ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã khiến hơn 1.700 người tử vong.

Hãng tin Anadolu dẫn lời người đứng đầu WHO châu Âu, ông Hans Kluge, ngày 22/7 thông báo, đợt nắng nóng "chưa từng có, đáng sợ và như ngày tận thế" đang diễn ra ở châu Âu đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người, chỉ tính riêng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

07_2022_20072022_portekiz_-1658572173833
Nắng nóng khiến tình hình cháy rừng ở châu Âu diễn biến phức tạp. Ảnh: Anadolu

"Biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng bao trùm thời đại chúng ta đang đe dọa cả sức khỏe con người và sự tồn tại của nhân loại", ông Kluge nhấn mạnh.

Theo đại diện WHO châu Âu, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ghi nhận đợt nắng nóng đáng sợ hơn các quốc gia khác ở châu lục. WHO dự báo số lượng nạn nhân tử vong do nắng nóng ở hai nước này sẽ có xu hướng tăng thêm trong những ngày tới.

Tại Tây Ban Nha, đợt nắng nóng được dự báo đã kết thúc vào đầu tuần vừa rồi. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn trên 40 độ C ở nhiều nơi trên đất nước. Ở Bồ Đào Nha, nhiệt độ tại thành phố Leiria vào tuần trước đã ghi nhận ở mức cao kỷ lục, gần 45 độ C.

"Mùa hè như thiêu như đốt này chỉ mới hoàn thành được nửa chặng đường", ông Kluge nói thêm. "Biến đổi khí hậu không phải là mới. Tuy nhiên, hậu quả của nó mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, đã kéo theo những hậu quả thảm khốc".

Những ngày qua, giới chuyên gia kêu gọi các quốc gia châu Âu tìm cách thích ứng với nắng nóng bằng cách thay đổi các quy định liên quan đến thói quen làm việc, lắp đặt nhiều điều hoà nhiệt độ tại các toà nhà dân cư hơn để hạn chế tác động từ thời tiết cực đoan.

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, với xu hướng hiện tại và nếu khả năng thích ứng ở châu Âu không được cải thiện, số người chết hàng năm liên quan đến nắng nóng tại các quốc gia EU có thể tăng từ mức khoảng 2.700 người/năm lên 30.000 - 50.000 người vào năm 2050.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, nắng nóng kéo dài ở châu Âu còn có nguy cơ khiến mùa màng thất thu, từ đó tác động tiêu cực tới nguồn cung lương thực trên toàn cầu, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thái Hà / CAND