Gần 15.000 bằng lái hết hạn trong giãn cách xã hội, lái xe ra đường bị xử lý ra sao?

Ước tính đến nay, có khoảng 15.000 GPLX đã hết hạn nhưng chưa được đổi kịp thời do các địa phương đang giãn cách xã hội, không làm thủ tục trực tiếp.

Trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tài xế tham gia hoạt động vận tải lo lắng vì GPLX hết hạn theo quy định nhưng vẫn chưa thể thực hiện cấp đổi do đang giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Ước tính đến nay có khoảng 15.000 GPLX đã hết hạn nhưng chưa được đổi kịp thời do các địa phương đang giãn cách xã hội.

Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội các Sở GTVT đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX trực tiếp mà chỉ tiếp nhận qua qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng biết đến hình thức đổi GPLX trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Thông tư 12 của Bộ GTVT quy định rõ các trường hợp quá thời hạn sử dụng GPLX.

Ông Quyền cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh nên cho phép kéo dài thời gian đối với người có GPLX quá hạn sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, kéo dài từ 12 tháng đến dưới 18 tháng đối với trường hợp quá hạn từ 3 tháng đến 1 năm mới phải thi lại lý thuyết; Kéo dài từ 18 tháng trở lên đối với trường hợp quá hạn 1 năm mới phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Gần 15.000 bằng lái hết hạn trong giãn cách xã hội, lái xe ra đường bị xử lý ra sao? ảnh 1
Nhiều người đã hết hạn Giấy phép lái xe nhưng chưa thể cấp đổi lại do đang giãn cách xã hội

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, thời gian qua, việc đăng ký dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng một phần nhu cầu đổi và cấp lại GPLX của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đến nay, vẫn còn 14.700 GPLX quá thời hạn cấp đổi.

Lý giải điều này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ đã quy định thủ tục đổi GPLX.

Theo đó, người có đủ thành phần hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đến chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX.

Do thực hiện giãn cách xã hội, một số người có nhu cầu đổi GPLX, đã có đủ thành phần hồ sơ theo quy định, nhưng chưa được đổi GPLX vì chưa đến gửi hồ sơ và chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX.

Hoặc đã gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và có thông báo xác nhận hồ sơ đăng ký đổi GPLX hợp lệ (được gửi tự động qua email khi hồ sơ đăng ký dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia được phê duyệt), nhưng chưa đến chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX (đối với dịch vụ công mức độ 3) hoặc chưa nhận được GPLX (đối với dịch vụ công mức độ 4).

Liên quan đến việc cấp lại GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Thông tư số 12 cũng quy định, người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX; người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

“Một số người có đủ điều kiện để được đổi GPLX, nhưng do thực hiện giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại lý thuyết hoặc một số người chỉ phải sát hạch lại lý thuyết, nhưng do giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục CSGT (Bộ Công an) chấp thuận để người có GPLX quá hạn, có thông báo xác nhận hồ sơ đăng ký đổi GPLX hợp lệ được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội và sau 10 ngày kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng, chống dịch và vận chuyển hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép người có GPLX quá hạn sử dụng, có giấy xác nhận đã cư trú tại địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội được phép đổi hoặc sát hạch lại lý thuyết trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội theo quy định tại Thông tư số 12.

Ngày hết hạn sử dụng của GPLX làm căn cứ thực hiện thủ tục hành chính đổi, cấp lại được tính bằng ngày hết hạn ghi trên GPLX cộng thêm thời gian giãn cách xã hội của địa phương.

Bộ Công an chuẩn bị gì để phục vụ việc quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe? Bộ Công an chuẩn bị gì để phục vụ việc quản lý đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe?

Trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép giao việc quản lý đào tạo, sát hạch, ...

/ anninhthudo.vn