Gần 1/4 triệu thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp trong ít nhất 3 năm, đa số chỉ ở nhà ngủ và không muốn tìm việc

Hơn 80.000 thanh niên cho biết họ không tìm được việc làm cũng như không được đào tạo liên quan đến nghề nghiệp của mình trong suốt 3 năm.

capture1

Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc công bố cho thấy gần 1/4 triệu thanh niên nước này đã thất nghiệp trong ít nhất 3 năm. Trong đó, hơn 80.000 người cho biết họ không tìm được việc làm cũng như không được đào tạo liên quan đến nghề nghiệp của mình trong suốt khoảng thời gian này.

Cụ thể, theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến tháng 5 năm nay, 238.112 người trong độ tuổi 15-29 không làm việc ít nhất 3 năm sau khi tốt nghiệp trường học gần nhất. Trong số đó, 82.545 người không làm bất cứ điều gì để tìm kiếm việc làm. Đa phần chỉ dành thời gian ở nhà, ngủ và ‘ăn bám’ bố mẹ. 

68.886 người khác nói rằng họ đang học để thi tuyển dụng, 35.243 người đang làm việc nhà hoặc nuôi con và 10.880 người đang học để lấy bằng đại học.

Dữ liệu cho thấy ngày càng nhiều người trẻ nản lòng vì liên tục không tìm được việc làm. Trong số những người thất nghiệp dưới 6 tháng, chỉ có 26,4% chia sẻ rằng họ không tìm việc làm, song tỷ lệ này lại tăng vọt lên 34,2% đối với những người thất nghiệp trong ít nhất 3 năm.

Tỷ lệ những người đang chuẩn bị được tuyển dụng, bao gồm cả việc học cho các kỳ thi liên quan đến việc làm, đi phỏng vấn và tham gia đào tạo, đạt đỉnh là 54,9% trong số những người đã thất nghiệp từ 6 tháng đến một năm. Tỷ lệ này giảm liên tục xuống còn 34,2% đối với những người đã thất nghiệp ít nhất 3 năm.

Số lượng thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp trong ít nhất 3 năm đánh dấu con số cao nhất kể từ tháng 5/2021, khi nước này chứng kiến khoảng 278.000 thanh niên không có việc làm. Nếu nhìn trên phương diện tích cực, con số này đã giảm kể từ mức 279.000 vào tháng 5/2020. 

Theo các chuyên gia về việc làm, dữ liệu này cho thấy mức độ nghiêm trọng khi tình hình kinh tế đang thay đổi và dân số quốc gia đang suy giảm nhanh chóng. Nhiều người trong số những người thất nghiệp dài hạn này có bằng đại học, nhưng càng không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp thì khả năng họ từ bỏ càng cao.

Kết quả khảo sát mới đây về nguyên nhân không muốn đi làm của Yonhap cho thấy, phần lớn người trẻ cho rằng họ không chủ động tìm việc vì “chẳng có công việc nào phù hợp với nguyện vọng và mong muốn cá nhân”. 18,7% người tham gia khảo sát cho biết họ không tìm việc làm vì trước đây họ đã cố gắng tìm việc nhưng vẫn không có nơi nào tuyển dụng. Ngoài ra, 13,4% người trả lời rằng họ không đủ trình độ học vấn và kinh nghiệm. 11,1% không tìm được công việc gần nhà.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia ghi nhận mức độ cạnh tranh việc làm khốc liệt nhất tại khu vực châu Á. Một thống kê được công bố hồi giữa tháng 7 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc tiết lộ người dưới 30 tuổi ở xứ sở kim chi mất trung bình 11,5 tháng để có việc làm sau khi tốt nghiệp, chạm mốc kỷ lục thời gian tìm việc dài nhất trong 20 năm qua.

Trước đó, chính phủ tuyên bố sẽ bơm gần 1.000 tỷ won (738 triệu USD) để khuyến khích những người trẻ tuổi thuộc nhóm NEET (không có việc làm, không được học hành hoặc không được đào tạo) quay trở lại thị trường việc làm. Chính phủ cho rằng sự gia tăng số lượng thanh niên NEET là do thiếu việc làm chất lượng, vì nhiều người trẻ lựa chọn thất nghiệp thay vì làm những công việc được coi là không ổn định, thu nhập kém. 

Gần 2 năm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học danh tiếng ở Seoul, Han Sung Ju vẫn thất nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình học, cô gái Hàn Quốc 28 tuổi này đã nộp đơn vào hơn 100 vị trí nhưng không gặp may. Cô hy vọng cuối cùng sẽ tìm được một công việc với mức lương hơn 30.000 USD/năm, dẫu biết cơ hội là rất mong manh.

"Ban đầu, tôi đặt mục tiêu sẽ nhận được khoảng 50 triệu won nhưng hiếm khi các công ty khác ngoài các tập đoàn lớn đưa ra mức lương như vậy. Tôi nhắm tới mức lương hơn 40 triệu won, song đồng thời cũng đang ứng tuyển vào những vị trí có mức lương thấp hơn", cô nói thêm.

 

Nhiều thanh niên Hàn Quốc như Han mong muốn được gia nhập các công ty lớn để có thể kiếm được nhiều tiền. Khoảng cách tiền lương giữa các công ty nhỏ và lớn đã gần như tăng gấp đôi trong vài năm qua.

“Thị trường việc làm luôn khó khăn nhưng trong những năm gần đây, nó càng trở nên thách thức hơn với sự suy thoái kinh tế. Việc tuyển dụng bị đình trệ, đặc biệt là đối với các vị trí yêu cầu nhiều kinh nghiệm”, một chuyên gia chia sẻ với hãng tin CNA.

Theo: Korea Times, Yonhap

https://markettimes.vn/gan-1-4-trieu-thanh-nien-han-quoc-that-nghiep-trong-it-nhat-3-nam-da-so-chi-o-nha-ngu-va-khong-muon-tim-viec-64632.html