"Gã thợ hàn" của bóng đá Việt Nam

U23, U19 và bây giờ là U20, một lần nữa, những hạng mục công việc “khó nhằn nhưng kém hấp dẫn” của bóng đá Việt Nam lại được giao cho HLV Đinh Thế Nam. Trận hoà thiếu điểm nhấn trước U20 Palestine hay sắp tới là vòng loại U20 châu Á với lực lượng chắp vá chỉ là một trong vô vàn những điều thú vị về nghiệp cầm quân của HLV người Hải Phòng, một HLV ngược dòng với dòng chảy thường thấy.

Tài năng ít ai biết

HLV Đinh Thế Nam có biệt danh là Nam "chợ" bởi ông sinh ra và lớn lên quanh khu chợ Sắt Hải Phòng. Tài năng bóng đá giúp ông sớm thành danh trong màu áo CLB Phòng không - Không quân rồi sau đó là Thể Công. Hồi tưởng về tiền vệ Đinh Thế Nam cuối thập niên 80, đầu 90, ai cũng ấn tượng về ông bởi khả năng xử lý bóng kỹ thuật cùng nhãn quan chiến thuật sắc bén.

anh 2 (1).jpg -0
HLV Đinh Thế Nam chủ yếu tham gia đào tạo trẻ dù ông có đủ khả năng huấn luyện bóng đá đỉnh cao.

"Mọi người thường nhắc nhiều về Hồng Sơn, nhưng nếu xét về khả năng chuyền bóng, anh Sơn phải gọi anh Đinh Thế Nam là sư phụ" – đó là nhận xét  của HLV, BLV Đặng Phương Nam khi so sánh giữa Đinh Thế Nam và Nguyễn Hồng Sơn. Ai cũng biết Sơn "công chúa" tài năng thế nào, nhưng Nam "chợ" chơi bóng hay ra sao thì đến bây giờ, rất ít người còn nhớ đến.

Khi Hồng Sơn mới được đôn lên đội 1 Thể Công và giành ngôi vua phá lưới giải A1 quốc gia ngay mùa đầu tiên, phần lớn bàn thắng anh ghi được do Đinh Thế Nam kiến tạo. Nhiều người ví von Đinh Thế Nam là cầu thủ "chân khéo như tay", có thể vẩy má ngoài chuyền bóng bằng cả hai chân và dứt điểm rất bén.

Đầu thập niên 90, ông là thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự 2 kỳ SEA Games và vòng loại World Cup 1994. Thông tin về cầu thủ Đinh Thế Nam chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong bối cảnh truyền thông thời đó chưa phát triển, số liệu thống kê không nhiều, và ông Nam lại không phải thành viên lứa cầu thủ thế hệ vàng Việt Nam.

Bước sang tuổi 30, Đinh Thế Nam trở về khoác áo Công an Hải Phòng và giành Cúp Quốc gia 1995. Đây cũng là dấu ấn cuối cùng của ông trên cương vị cầu thủ. Cuối thập niên 90, ông lặng lẽ giải nghệ rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện, bắt đầu một con đường trắc trở kéo dài hơn hai thập niên.

Kỳ lạ nghiệp cầm quân

Không nhiều người nhớ rằng, Đinh Thế Nam từng là HLV của các cấp độ chuyên nghiệp, thay vì hình ảnh người thầy dìu dắt các lứa trẻ như hiện tại. Từ năm 2000 đến 2011, ông là huấn HLV thuộc Sở VH-TT&DL Hải Phòng. Đó là một thập niên ông chứng kiến đội bóng thành phố Cảng liên tục thay tên đổi họ theo nhà tài trợ hàng năm. Ở thời bóng đá Việt Nam mới bước lên sân chơi chuyên nghiệp, bên cạnh việc chứng kiến đội bóng xuống rồi lên hạng, ông Nam thậm chí suýt vướng vòng lao lý khi vướng phải cáo buộc "lót tay" trọng tài.

Một ngày đầu tháng 1/2006, thông tin ông Đinh Thế Nam, trên cương vị HLV trưởng CLB Hải Phòng, thừa nhận biếu tiền trọng tài xuất hiện trên mặt báo. Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo CLB Hải Phòng một mực phủ nhận, cho rằng hành động của ông Nam "chợ" chỉ là hứng chí cảm ơn trọng tài khi đội nhà giành chiến thắng.

Sau biến cố lần ấy, HLV Đinh Thế Nam cuối cùng không bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng không được làm HLV trưởng Hải Phòng nữa dù ông mới giúp CLB giành Siêu Cúp Quốc gia 2005.

Phải đến năm 2009, khi CLB Xi măng Hải Phòng rơi vào khủng hoảng, ông mới nhận lời trở lại giải cứu đội bóng. Đó là thời điểm Hải Phòng mới sa thải HLV Alfred Riedl với lý do CLB chỉ giành được 3 điểm sau 3 trận! Nhưng bụt chùa nhà không thiêng. Thành tích của đội không khá hơn trong mùa giải 2009, khiến ông sau đó phải nhường ghế lại cho HLV Vương Tiến Dũng.

Cuối năm 2011, Công ty Xi măng trả lại đội bóng cho thành phố Hải Phòng, HLV Đinh Thế Nam cũng nộp đơn xin nghi. Những năm tiếp theo, ông chuyển sang làm công tác đào tạo trẻ ở CLB Hà Nội T&T (Hà Nội FC ngày nay) rồi đến Viettel và giờ là PVF. HLV Đinh Thế Nam có cả tài năng, trình độ lẫn bằng cấp, nhưng con đường trở lại V.League dường như là điều ông không còn muốn nghĩ đến nữa.

Từ đây, ông Nam “thợ hàn” ra đời, với dấu ấn lớn đầu tiên là dẫn dắt U15 Viettel giành chức vô địch quốc gia năm 2015. Thành công đó giúp ông được đôn lên làm HLV trưởng đội U16 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á trong cùng năm. Đây là giải đấu ông dẫn dắt những tuyển thủ Việt Nam tương lai như trung vệ Nguyễn Thanh Bình, tiền đạo Trần Văn Đạt. Bây giờ thì tất cả đều quen mặt biết tên, rằng ông Nam cực kỳ mát tay với bóng đá trẻ.

Mười năm qua là từng ấy thời gian, ông Nam có cơ hội quay lại V.League. Ít nhất, có một đội bóng ở khu vực Đông Nam Bộ đã ba lần liên lạc mời ông. Nhưng bóng đá “người lớn”, có lẽ, không phù hợp với mẫu người điềm đạm, trầm tính như ông. Nhiều người có thể dễ dàng thốt lên hai chữ "giá như", nhưng HLV Đinh Thế Nam thì không. Với ông, mọi điều xảy ra đều có nguyên nhân đến từ một quá trình dài trước đó. Nếu không thể tránh khỏi kết cục xấu, hãy bình thản đón nhận mọi thứ ập tới. Đó là điều ông đúc kết được sau những ngày làm HLV ở Hải Phòng, cũng như trên cương vị người thầy dẫn dắt các cầu thủ trẻ sau này.

"Các cháu bây giờ được chăm chút hơn chúng tôi ngày trước nhưng thiếu tinh thần tự giác học hỏi", HLV Đinh Thế Nam trải lòng với phóng viên. "Ngày xưa, mỗi khi mắc sai lầm, các cầu thủ chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau sau trận để trao đổi, tìm xem đâu là nguyên nhân để không tái diễn. Cầu thủ bây giờ không làm vậy, nên các cháu hay lặp đi lặp lại một lỗi" - ông nói.

Chuyện của Thanh Bình

Ông Nam nhận xét Thanh Bình là trung vệ giỏi nhưng yếu giao tiếp với đồng đội nên đôi lúc phối hợp không ăn ý. Cầu thủ sinh năm 2000 cũng khó giữ được sự tập trung trong toàn bộ trận đấu vì tính tình hơi trẻ con, thiếu chín chắn.

Trong năm 2021, Thanh Bình được đôn lên đội 1 Viettel và nhanh chóng có suất trong đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, màn ra mắt của anh là một thảm họa khi Thanh Bình mắc lỗi trực tiếp dẫn đến 2 bàn thua ở vòng loại World Cup trong cùng 1 trận đấu gặp Trung Quốc. Cầu thủ này sau đó mất khá nhiều thời gian mới có thể tìm lại chính mình như hiện tại.

Câu chuyện Thanh Bình là ví dụ chân thực nhất cho thấy con mắt nhìn người của HLV Đinh Thế Nam, về việc đánh giá toàn bộ một con người của ông. Khả năng đó giúp ông trở thành HLV hiếm hoi khai thác tối đa tiềm năng của các cầu thủ trong hiểm cảnh. Vào thời điểm ông Nam "chợ" dẫn đội dự bị U23 Việt Nam dự U23 Đông Nam Á, đội hình sứt mẻ trầm trọng vì chấn thương và COVID-19 nhưng vẫn giành ngôi vô địch.

https://cand.com.vn/the-thao/ga-tho-han-cua-bong-da-viet-nam-i666313/

An Khánh / cand.com.vn