FED tăng mạnh lãi suất: Nỗ lực “hạ nhiệt” lạm phát

Với lạm phát tăng vọt và "bóng đen" của suy thoái bao trùm, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất đi vay cơ bản thêm 0,75% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Động thái này cũng báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất trong tương lai khi FED đang cố gắng “hạ nhiệt” lạm phát mà không gây suy thoái cho nền kinh tế số một thế giới.

Việc tăng lãi suất vay cơ bản của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kỳ vọng sẽ khống chế lạm phát ở mức 4,3% vào cuối năm 2022.

Sau cuộc họp chính sách mới nhất ngày 15-6, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã ấn định mức lãi suất quỹ liên bang lên mức 1,5-1,75%, mức cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Không chỉ dừng lại ở đây, FED có thể tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới nếu tình hình lạm phát của Mỹ chưa được cải thiện. Theo chia sẻ của đại diện FED, dù không muốn việc tăng lãi suất này trở nên phổ biến, nhưng FED vẫn có thể bàn bạc việc nâng lãi suất thêm 0,75% hay khoảng 0,5% trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7. Với xu hướng hiện tại, mặt bằng lãi suất tại Mỹ có thể sẽ tiếp tục “leo dốc” trong nửa cuối năm 2022 và kéo sang năm 2023.

Trong biểu đồ khảo sát quan điểm của các thành viên FOMC, lãi suất chuẩn của FED có thể sẽ dừng lại ở mức 3,4% vào cuối năm nay, tức tăng 1,5% so với ước tính hồi tháng 3 năm nay. Đến năm 2023, mức lãi suất có thể lên đến 3,8%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó. Với xu hướng tăng lãi suất như vậy, lạm phát cơ bản tại Mỹ được kỳ vọng sẽ khống chế ở 4,3% vào cuối năm nay và giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023. Trong bối cảnh này, FED dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 chỉ đạt 1,7%, thấp hơn khá nhiều so với mức dự báo khoảng 2,8% được đưa ra vào tháng 3-2022.

Việc tăng lãi suất lớn bất thường được đưa ra sau khi dữ liệu công bố tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ tăng trong tháng 5 đã lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 8,6% - mức tăng đầy bất ngờ, khiến các thị trường tài chính lo lắng. FED đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 khi đại dịch Covid-19 tấn công thế giới, khiến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu phải đóng cửa. FED bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3 năm nay khi nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng đối với nhà cửa, ô tô và các hàng hóa khác trong bối cảnh chuỗi cung ứng ở nhiều nơi trên thế giới bị gián đoạn vì dịch Covid-19 vẫn tồn tại và là một thách thức không dễ giải quyết triệt để.

Điều đó thúc đẩy lạm phát, vốn trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng 2 và các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Mátxcơva, khiến giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng chóng mặt. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề khác đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản. Các nhà kinh tế cho rằng tháng 3 là đỉnh điểm cho việc tăng giá tiêu dùng, nhưng tỷ lệ này tiếp tục tăng vọt vào tháng 5, với 8,6% trong 12 tháng gần nhất, gần như hoàn toàn do chi phí năng lượng, đặc biệt là giá xăng tăng cao. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu bán lẻ đã giảm lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 5. Doanh số bán nhà đã giảm trong 3 tháng liên tiếp và niềm tin của người tiêu dùng xuống mức thấp kỷ lục trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6.

Động thái tăng mạnh lãi suất của FED là một sự thừa nhận rằng ngân hàng trung ương đang “vật lộn” để kiềm chế tốc độ lạm phát. Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh cam kết của ngân hàng trung ương sẽ thực hiện mọi giải pháp cần thiết để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu của FED là 2%. Nếu đạt được điều đó, tình trạng thất nghiệp sẽ trầm trọng hơn và kinh tế sẽ giảm tốc rõ rệt. Tuy nhiên FED cũng sẽ phải tiến hành một cách thận trọng để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1034843/fed-tang-manh-lai-suat-no-luc-ha-nhiet-lam-phat

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn