Facebook ‘hủy kết bạn’ với Australia: Ai cần ai?

Facebook “nổ phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến giữa các nền tảng mạng xã hội và các hãng tin tức khi chặn hiển thị nội dung tin tức tại Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 19/2 cho biết sẽ tiếp tục hiện thực hóa điều luật khiến Facebook phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung, trước động thái chặn toàn bộ nội dung tin tức tại Australia của Facebook. Ông Morrison khẳng định đã nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo thế giới khác.

Canada hôm 18/2 cũng cho biết sẽ tham gia “cuộc chiến” khiến Facebook phải trả tiền cho tin tức, thậm chí tuyên bố luôn sẽ không chùn bước kể cả nếu mạng xã hội này chặn hiển thị tin tức tại Canada, như đã làm với Australia.

Facebook ‘hủy kết bạn’ với Australia: Ai cần ai? - 1
(Ảnh minh họa)

Facebook hôm 18/2 chặn toàn bộ nội dung tin tức trên nền tảng của mình tại Australia, nhằm phản đối việc chính phủ đề xuất điều luật yêu cầu công ty này và Google phải trả phí cho các nhà xuất bản tin tức để hiển thị đường dẫn. Động thái của Facebook thực tế đã ảnh hưởng đến cả các trang phi tin tức như các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận, làm dấy lên làn sóng chỉ trích Facebook "vô trách nhiệm" và lời kêu gọi từ dư luận rằng chính phủ Australia phải giải quyết vấn đề “ngay lập tức”.

Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault cho biết thêm đã nói chuyện với các đối tác Pháp, Australia, Đức, Phần Lan về việc đảm bảo chi phí công bằng cho nội dung web. “Tôi nghĩ sắp tới sẽ có khoảng 5, 10, 15 nước áp dụng các quy tắc tương tự... liệu Facebook có định cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp không?”. Ông cho rằng đến một lúc nào đó cách tiếp cận của Facebook sẽ trở nên “hoàn toàn bất ổn”.

Khởi đầu mâu thuẫn

Trên khắp thế giới, các nhà xuất bản tin tức (các hãng tin tức và truyền thông) sử dụng Facebook để tiếp cận với người dùng mạng xã hội này. Từ đó, các hãng tin tăng lượt tiếp cận và doanh thu. Người sử dụng cũng chia sẻ lại nhiều lần nội dung tin tức, giúp tin tức được lan truyền. Tất cả giúp đóng góp hàng triệu lượt xem vào các trang tin tức thông qua nền tảng Facebook.

Ngoài ra, các hãng tin cũng có thỏa thuận thương mại với Facebook nhằm cho phép mạng xã hội này hiển thị nội dung của họ dưới dạng Instant Articles (Đọc nhanh), giúp người đọc mở đường link nhanh hơn là vào trực tiếp trang web.

Từ phía Facebook, họ cho rằng luật mới được đề xuất làm thay đổi bản chất mối quan hệ và sẽ không có lợi gì cho chính các nhà xuất bản. William Easton, Giám đốc điều hành Facebook tại Australia và New Zealand, cho biết: “Năm ngoái (2020) Facebook thu được xấp xỉ 5,1 tỷ lượt giới thiệu miễn phí cho các nhà xuất bản Australia, trị giá khoảng 407 triệu AUD (315 triệu USD)”.

Lấy ví dụ nhanh từ các trang tin tức hàng đầu Australia như Sydney Morning Herald, News.com.au, The Australian. Theo trang phân tích web Similarweb, các nhà xuất bản tin tức này có được 7-9% lưu lượng truy cập từ mạng xã hội, chủ yếu là Facebook. Khi Facebook “tắt” hiển thị nội dung tin tức, số lưu lượng này, với doanh thu đi kèm, sẽ biến mất.

Facebook ‘hủy kết bạn’ với Australia: Ai cần ai? - 2
Facebook chặn hiển thị tin tức tại Australia. (Ảnh: AP)

Luật truyền thông tin tức của Australia

Quy tắc thương lượng truyền thông tin tức mới của Australia, được giới thiệu trước quốc hội nước này hồi tháng 12/2019, yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook phải thỏa thuận với các hãng tin tức để đưa ra một hợp đồng thương mại phục vụ mục đích hiển thị nội dung tin tức trên nền tảng của mình.

Hiện tại, trên khắp thế giới, các hãng tin chỉ có được một phần doanh thu quảng cáo từ nội dung của mình, hoặc doanh thu từ các thỏa thuận như Instant Articles. Nguồn doanh thu này không ổn định và phụ thuộc phần lớn vào các thuật toán của Google và Facebook. Và những thuật toán này thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến độ phủ sóng và lượt tiếp cận nội dung.

Có một chuyện thú vị là dù không vui vẻ gì với luật mới, Google đã ký thỏa thuận trị giá khoảng 23 triệu USD một năm với Seven West Media để hiển thị nội dung của hãng tin tức này trên nhiều nền tảng công cụ tìm kiếm của mình. Theo sau là thỏa thuận khác với Nine Entertainment và thỏa thuận 3 năm với “khoản chi trả đáng kể” cùng Rupert Murdoch’s News Corp, hãng sở hữu The Australian, The Daily Telegraph và The Herald Sun.

Vấn đề của Facebook

Trong bài viết, Easton cố gắng nhấn mạnh rằng bộ quy tắc “về cơ bản hiểu lầm mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi, và những người sử dụng nó để chia sẻ nội dung tin tức”. Facebook cho rằng điều này khiến họ “không còn lựa chọn nào khác” là dừng cho phép nội dung tin tức trên nền tảng của mình.

Easton cũng cố gắng phân biệt mối quan hệ giữa Facebook và Google với các nhà xuất bản tin tức. “Google Search gắn bó chặt chẽ với tin tức và các nhà xuất bản không tự nguyện cung cấp nội dung cho họ. Mặt khác, các nhà xuất bản sẵn sàng chia sẻ tin tức trên Facebook, cho phép họ bán được nhiều lượt đăng ký theo dõi dài hạn (subscribe) hơn, phát triển số lượng độc giả và tăng doanh thu quảng cáo”, Easton nói.

Điều này cũng có thể giải thích tại sao Google sẵn sàng thỏa thuận trả phí cho các nhà xuất bản còn Facebook thì không.

Facebook ‘hủy kết bạn’ với Australia: Ai cần ai? - 3
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy điều luật khiến Facebook phải trả tiền cho tin tức. (Ảnh minh họa: The Independent)

Ai cần ai?

Theo Facebook, việc loại bỏ nội dung tin tức không ảnh hưởng nhiều đến họ, vì “tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung người sử dụng nhìn thấy trên bảng tin”.

Trong nhiều năm, Facebook ít quan tâm đến tin tức hơn khi mạng xã hội này hướng đến các nội dung video, được cho là thu hút tương tác và “mềm” hơn, bên cạnh đó khuyến khích người dùng thảo luận.

Hơn nữa, trải nghiệm của Facebook khi các nội dung tin tức bị tác động trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng khiến họ e dè trong việc trở thành một cổng tin tức lớn.

Cuối tháng 1/2020, Anh trở thành nước đầu tiên có Facebook News, được gọi là “nơi nằm trong Facebook giới thiệu tin tức từ hàng trăm hãng tin quốc gia, địa phương và phong cách sống hàng đầu”. Đây dường như là nỗ lực nhằm tách bạch hơn nữa tin tức khỏi bảng tin Facebook.

Công ty cho biết Australia là một trong những thị trường họ dự định giới thiệu tính năng này, nhưng giờ sẽ phải chờ đến khi điều luật mới trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, Facebook và Google cũng lo ngại hành động của Australia sẽ châm ngòi cho các phản ứng và điều luật tương tự khắp nơi trên thế giới. Ngoài Australia, Google đã và đang tiến hành thỏa thuận với các nhà xuất bản ở các nước như Pháp.

Facebook như Facebook như "mafia toàn cầu"

Cuộc đối đầu giữa Facebook và Australia cho thấy Mark Zuckerberg nghĩ mình không chỉ đứng trên pháp luật, mà còn đủ mạnh để bẻ ...

/ vtc.vn