F0 giảm sâu, việc tiêm chủng sẽ thế nào?

COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục giảm sâu trong tuần vừa qua, ngày thấp nhất giảm xuống mức trên 11.000 ca/ngày, trong đó Hà Nội đã xuống mốc hơn 900 ca, giảm 35 lần so với thời kỳ đỉnh dịch giữa tháng 3.

Bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở máy, chạy ECMO giảm sâu, còn hơn 800 ca đang điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân tử vong đã giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2021 đến nay, có ngày còn 7 ca. Theo Bộ Y tế, so với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 62,8%, số ca khỏi giảm 42,8%, số ca tử vong giảm 51,0% và số cả nặng đã giảm 52,7%.

Giảm cả 4 tiêu chí

Theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch COVID-19 ở nước ta giảm mạnh cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua: Ca cộng đồng giảm 56,5%; ca tử vong giảm 60,5%; ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%; ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%. Số ca mắc mới ở thời điểm này chỉ còn hơn 13.000 ca/ngày, tương đương thời điểm giảm mạnh nhất vào tháng 11/2021 khi biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng.

Thời điểm làn sóng Omicron, ngày cao điểm Hà Nội ghi nhận hơn 32.000 ca, nay giảm xuống còn hơn 900 ca, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Trung bình số tử vong trong 7 ngày qua là 11 ca, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.

hn-1650850813960
Các hoạt động mở cửa bình thường trở lại, nhưng người dân vẫn phải phòng bệnh COVID-19.
 Theo số liệu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (chưa tính các tỉnh: Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Nam, Huế), so với tuần trước, số ca mắc COVID-19 mới ít hơn 16,4%, số tử vong ít hơn 41,2%, số ca khỏi bệnh ít hơn 32,7%, số ca đang điều trị tại bệnh viện ít hơn 40,3%, số ca nặng và nguy kịch ít hơn 15,3%, ca thở máy xâm lấn ít hơn 33,9%. So sánh với tháng trước, số ca mắc mới ít hơn 64,7%, số ca tử vong ít hơn 62,3%, số ca khỏi bệnh ít hơn 52%.

Tuy dịch đang giảm 4 tiêu chí, song theo dự báo, thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Trong lần họp báo mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Trọng Lân cho biết, Việt Nam chuẩn bị sẵn hai kịch bản phòng, chống dịch.

Một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động khi xuất hiện tình huống mới. Trong biện pháp chống dịch, thì vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Dù nhiều người đã mắc COVID-19 hoặc tiêm chủng nhưng kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho đối tượng cần.

Theo dõi, giám sát để đáp ứng khi có yếu tố bất ngờ

Việt Nam sắp bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 30-4 và 1-5, chuẩn bị SEA Games 31 diễn ra trong tháng 5 này, sẽ có nhiều du khách quốc tế đến với nước ta. Dù COVID-19 đã giảm, hiện đã có trên 10,5 triệu người mắc COVID-19, song những người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine nếu nhiễm COVID-19 vẫn có nguy cơ tăng nặng, tử vong. Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 23/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, dịch COVID-19 đang giảm là do tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều người đã nhiễm. Số người mắc COVID-19 hiện nay chủ yếu triệu chứng nhẹ, nhiều người trong số đó điều trị tại nhà không khai báo; hiểu biết về điều trị của người dân ngày càng tăng, nên người dân không sợ COVID-19 như trước nữa.

Theo ông Phu, với tình hình dịch hiện nay, Việt Nam mở cửa được hết các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất của mở cửa là phải phòng bệnh, vẫn phải chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro, nếu có rủi ro phải phản ứng được ngay. “Muốn kiểm soát được rủi ro phải luôn theo dõi, giám sát, phát hiện và loại bỏ yếu tố bất ngờ. Mở cửa đồng bộ cũng phải dự phòng đồng bộ. Đặc biệt là ý thức của người dân luôn phải phòng bệnh, chứ không được buông xuôi, thả lỏng”, ông Phu nhấn mạnh.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang đến rất gần, theo chuyên gia, quan trọng là ngành Y tế phải theo dõi, giám sát, bởi nếu không theo dõi đánh giá nguy cơ, khi xảy ra yếu tố bất ngờ là không kịp trở tay. Bài học từ đợt dịch thứ 4 là ví dụ, do chủng mới Delta khó dự báo, nên không đáp ứng kịp dẫn tới lây lan mạnh và tử vong cao. Vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, không bỏ lơi dự phòng và theo dõi chủng mới. Nếu xuất hiện thêm biến chủng mới và vaccine đang sử dụng không có hiệu quả nữa thì rất nguy hiểm. Do đó, theo dõi để không bất ngờ là quan trọng nhất, khi có rủi ro là phản ứng được ngay.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, từ bài học TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn phải đề phòng, không thể coi COVID-19 là bệnh không nguy hiểm mà chủ quan. Đặc biệt người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine thì phải cẩn trọng khi đi du lịch, tham gia các hoạt động tập trung đông người và gia đình phải phòng bệnh cho họ.

Trần Hằng / CAND