Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã xảy ra bất đồng về việc liệu và làm thế nào để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
EU và các đồng minh đã áp đặt một loạt các biện pháp nhằm vào Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này.
Nhưng nhắm mục tiêu vào dầu của Nga, như Mỹ và Anh đã làm, là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% khí đốt.
Một số quốc gia EU như Ba Lan và các nước Baltic như Latvia, Litvaa và Estonia đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
"Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine ngay bây giờ, chúng ta có thể chuyển sang trừng phạt lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu và than đá (của Nga)", Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết trước cuộc họp, lặp lại bình luận từ các nước Baltic.
Trong khi đó, Đức và Hà Lan cho biết EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể chấm dứt ngay bây giờ. Về tổng thể, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại Châu Âu là nhập khẩu từ Nga, trong đó cường quốc kinh tế số 1 Châu Âu là Đức nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% dầu từ Nga.
"Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào" - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu với báo giới. Bà nói thêm rằng Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga, nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu ngay lập tức.
Cao uỷ EU Josep Borrell cho biết trong họp báo rằng mặc dù EU sẽ "tiếp tục cô lập Nga", nhưng các quyết định cụ thể sẽ được đưa ra sau đó. Một số nhà ngoại giao hy vọng vào tháng 6, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu của Nga. Tuy nhiên, không có ngày nào được thống nhất và các quốc gia EU khác nhau có các mục tiêu khác nhau.
Trong khi các nước Baltic muốn có lệnh cấm vận dầu mỏ, Đức và Italia, những nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đang phản đối vì giá năng lượng vốn đã cao. Các lệnh trừng phạt đối với than đá là ranh giới đỏ đối với một số nước, bao gồm Đức, Ba Lan và Đan Mạch.
Bản thân Nga cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt như vậy có thể khiến nước này phải đóng đường ống dẫn khí đốt tới Châu Âu.
Trong nhiều ngày qua, chính quyền Mỹ cũng đã gây sức ép buộc các nước châu Âu hành động theo Mỹ và Anh trong việc cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng châu Âu sẽ khó có thể lập tức hành động giống Mỹ bởi nguồn cung dầu của Nga chỉ chiếm khoảng 8% tổng sản lượng dầu nhập khẩu của Mỹ.
Ngoài việc thảo luận về khả năng cấm vận năng lượng Nga, các Bộ trưởng EU cũng đã họp bàn và thống nhất thông qua kế hoạch triển khai lực lượng phản ứng nhanh 5.000 quân của EU vào năm 2025. Phía Đức đã đề xuất được đứng ra cung cấp nhân lực chính cho lực lượng này. Đây là một phần trong chiến lược “Strategic Compass” mà EU đã công bố từ cuối năm 2021 nhưng được đẩy nhanh tiến độ triển khai sau khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraina.
Một chủ đề khác cũng gây chú ý là việc ứng phó với khủng hoảng tị nạn từ Ukraina. Theo các số liệu, sau gần 1 tháng diễn ra xung đột tại Ukraina, đã có khoảng 3,4 triệu người rời khỏi Ukraina sang lánh nạn tại các quốc gia EU, khiến khối này đối mặt với làn sóng tị nạn bùng phát nhanh nhất và lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới 2.
PV (th)
"Cơn khát dầu" buộc chính quyền Biden xoay trục sang Ả Rập Xê-út? |
Châu Âu trừng phạt dầu mỏ, khí đốt Nga: Lưỡng bại câu thương |
Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt |