Tổng thống Philippines nói rằng cho Mỹ triển khai vũ khí là vi phạm hiến pháp và có thể dẫn tới xung đột với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Rappler. |
"Có thông tin nói rằng Mỹ sẽ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở châu Á. Điều đó không bao giờ xảy ra ở Philippines vì tôi sẽ không cho phép và nó vi phạm hiến pháp", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp là người gốc Hoa ở phủ Tổng thống.
Tuyên bố của Duterte được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố rằng việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga giúp họ tự do triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại bất cứ nơi đâu trên thế giới, bao gồm châu Á, để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng ông muốn sớm triển khai các vũ khí như vậy trong khu vực, song không nêu địa điểm cụ thể.
"Họ không thể triển khai vũ khí ở Philippines. Tôi không bao giờ cho phép sự hiện diện của quân đội nước ngoài và tôi cũng không muốn đụng độ với Trung Quốc", Duterte nói thêm.
Trung Quốc trước đó cảnh báo Mỹ rằng nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết nếu Lầu Năm Góc xúc tiến kế hoạch triển khai tên lửa phóng từ mặt đất trong khu vực.
Duterte cũng nói rõ rằng Philippines không có ý định gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào. "Tham gia các liên minh quân sự trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng tăng là vô nghĩa. Nếu một cuộc chiến nổ ra giữa các cường quốc hạt nhân, chúng ta đều sẽ phải chịu chung số phận", Duterte nói.
Tổng thống Philippines cáo buộc chính Washington buộc Manila phải tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh và Moskva sau khi bị Mỹ từ chối bán 26.000 khẩu súng trường với lý do vi phạm nhân quyền vào năm 2016. "Mỹ phải chịu trách nhiệm. Chính Mỹ đã đẩy tôi vào vòng tay của chính phủ Trung Quốc. Tôi phải làm gì đây? Và sau đó tôi tìm đến Nga", Duterte cho hay.
"Tôi muốn nói với người Mỹ rằng tới nay Nga và Trung Quốc đều không yêu cầu bất cứ sự trả ơn nào, ngay cả một cái tăm", Tổng thống Philippines nói thêm.
Sau khi nắm quyền năm 2016, Duterte thực thi chính sách xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các khoản đầu tư và lợi ích kinh tế, phớt lờ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực. Nhiều quan chức quốc phòng và dư luận nước này chỉ trích lập trường mềm mỏng của ông trước yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Huyền Lê (Theo RT, Manila Bulletin)
Mỹ sẽ 'không phản ứng thái quá' sau loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Mỹ hôm nay bày tỏ mong muốn duy trì đối thoại bất chấp 4 vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh đó chỉ ... |
Mỹ muốn đặt tên lửa tầm trung ở châu Á, Trung Quốc cảnh báo "không để yên"
Trung Quốc hôm 6/8 đe dọa đối phó nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung-mặt đất ở châu Á, cảnh báo đồng minh Mỹ ... |
Philippines giải thích phát ngôn của Duterte về 'chủ quyền của Trung Quốc' ở Biển Đông
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines cho biết ông Duterte ám chỉ đến lợi thế của Trung Quốc ở Biển Đông, chứ không công nhận ... |