Thời điểm danh sách các đơn vị tham gia mua cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam được công bố, Vivaso đã nổi lên như một ẩn số đối với nhiều nhà đầu tư.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch căn cứ Kết luận thanh tra số 1412 ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277 ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Trong đó, làm việc với Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso - nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Trường hợp Tổng công ty Vận tải thuỷ không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra.
|
|
Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch được giao làm việc với Tổng công ty Vận tải thuỷ để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp |
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.
Năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp này được anh em tập thể văn nghệ sỹ đón nhận như “luồng gió mới” với nhiều kỳ vọng về sự “đổi đời” cho một hãng phim già nua. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau cổ phần hóa làm các văn nghệ sỹ và những người gắn bó với Hãng phim bức xúc.
Cụ thể, khi danh sách các đơn vị tham gia mua cổ phần được công bố, Tổng Công ty Vận tải thủy - Vivaso đã nổi lên như một ẩn số, bởi đơn vị này hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim truyện.
Ngày 14/4/2016, Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Sau nhiều lùm xùm, Vivaso đã hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch.
Cụ thể, sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần - tương đương 33 tỷ đồng thuộc về nhà đầu tư chiến lược Vivaso.
Được biết, phía sau Vivaso lại là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường, đơn vị sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của Vivaso.
Việc Công ty Vạn Cường tiến hành thâu tóm Vivaso, và sau đó thông qua công ty này sở hữu 65% VFS đã đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan. Tuy nhiên, điểm chung duy nhất của 2 doanh nghiệp trên là đang nắm giữ nhiều lô đất “vàng” tại Hà Nội và TP.HCM, ước tính giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Còn với Vivaso, ngoài việc có giá trị doanh nghiệp của một tổng công ty vận tải đường thủy, Vivaso này đang quản lý sử dụng nhiều khu đất có giá trị lớn ở miền Bắc với tổng diện tích là 50ha. Trong số đó có các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hoặc các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…
Riêng đối với Hãng phim truyện Việt Nam, thời điểm đó, đơn vị này cũng đang được quyền thuê và sử dụng 4 lô “đất vàng” tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, hình thức sở hữu là thuê đất trả tiền hàng năm, đất đã thuê hơn 50 năm; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa - hình thức sở hữu là giao đất. Hãng phim truyện Việt Nam có một lô đất 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM - hình thức sở hữu thuê đất của Nhà nước.
Đến tháng 10/2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra Công tác cổ phần hóa Hãng phim. Kết luận chỉ rõ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam còn một số tồn tại và khuyết điểm.
Cụ thể như việc thực hiện các bước cổ phần hóa, lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để cho Hãng phim truyện Việt Nam tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa là vi phạm Luật Đấu thầu 2013. Hãng phim truyện Việt Nam ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định…
Vũ Đậu (T/h)
60 năm Hãng Phim truyện Việt Nam: Giã từ quá khứ lấp lánh để hồi sinh
Các nghệ sĩ trong Hãng phim truyện Việt Nam chạy đôn đáo khắp nơi để đứng ra tổ chức lễ sinh nhật cho Hãng tròn ... |
Bị nghệ sĩ căng biểu ngữ "đuổi", chủ Hãng phim truyện Việt Nam xin lỗi
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam chính thức gửi lời ... |
Nghệ sĩ Hãng phim truyện căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm
Đạo diễn Thanh Vân, Anh Tuấn... và nhiều đồng nghiệp yêu cầu công ty Vivaso sớm thoái vốn khỏi hãng phim. |