Đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km, kéo dài từ Pác Pó-Cao Bằng đến Đất Mũi- Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố, khi đưa vào khai thác, sử dụng đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội cho những địa phương nơi tuyến giao thông qua.
60 năm trước, thực hiện chủ trương chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt"- Đoàn 559 nhận nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho tiền tuyến.
Đường Trường Sơn nối liền Nam Bắc có chiều dài lên tới hàng triệu kilomet dù nếu tính theo đường "chim bay" từ bắc vào nam chỉ khoảng 1.000km. (Ảnh IT)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo đường Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc, hàng đoàn người và xe ngày đêm nối nhau ra tiền tuyến trong mưa bom bão đạn của kẻ thù với ý chí: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” (lời Hồ Chủ tịch).
Đường Trường Sơn đã in dấu chân của hàng vạn chiến sỹ quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trong đó có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên người đã gắn bó và có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường này.
Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, nhằm mở rộng lợi thế và tiếp tục tạo thế thuận lợi về phát triển kinh tế và hội nhập Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh trên nền của tuyến đường Trường Sơn năm xưa với tổng chiều dài 3.167 km từ Pắc Bó ( Cao Bằng) tới Đất Mũi ( Cà Mau). Trọng điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua miền Trung đã phá thế độc tuyến giao thông Bắc - Nam, hỗ trợ đắc lực cho quốc lộ 1A, tạo thế liên hoàn, vững chắc trong chiến lược quân sự bảo vệ đất nước và tăng cường tình đoàn kết 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của vùng đất phía Tây rộng lớn, giàu tiềm năng của nước ta.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông cho hay: Khi đường Hồ Chính Minh chưa phát triển, giao thông chủ yếu dựa vào tuyến quốc lộ 1. Kể khi đường Hồ Chí Minh phát triển chúng ta đã có tuyến đường chiến lược dự phòng cho đường quốc lộ 1.
“Có những khi tuyến quốc lộ 1 bị ngập lụt gây ra tắc đường, hàng hoá không lưu thông, đặc biệt là nông sản của chúng bị ảnh hướng rất lớn. Tuy nhiên, khi có đường Hồ Chí Minh phát triển thì chúng ta đã đảm bảo được việc các phương tiện lưu thông”, TS. Đức phân tích.
Đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: I.T)
Theo TS. Đức mặc dù, lưu lượng phương tiện trên đường Hồ Chí Minh chưa cao nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận toàn diện, không phải lưu lượng xe đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Ở đây, có thể thấy rõ, trước đây các huyện vùng cao của các tỉnh miền Trung như Tân Kỳ - Nghệ An rất nghèo nàn, nhưng nhờ có tuyến Đường Hồ Chí Minh đi qua đã giúp các vùng này phát triển mạnh mẽ, người dân có thể trao đổi hàng hoá từ con đường giao thông huyết mạch.
"Đường Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm quan trọng của nó khi giúp các vùng có tuyến đường đi qua phát triển được kinh tế xã hội, các huyện miền núi được lưu thông với đồng bằng, giúp đỡ bà con vùng cao được tiếp cận, giao thương nhanh chóng hơn", TS. Nguyễn Hữu Đức đánh giá.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh nhìn nhận: Tuyến đường Trường Sơn - nay là đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn làm lên thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đóng vai trò quan trọng đối sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
“Đây cũng là tuyến đường huyết mạch và là tuyến đường chiến lược của đất nước. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, trải qua bao nhiêu thăng trầm, giữa mưa bom bão đạn tuyến đường phát triển từ máu và lửa đã thể hiện là một minh chứng cho lịch sử”, ông Minh chia sẻ.
Đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên. (Ảnh: I.T)
Phân tích về sự ảnh hưởng của đường Hồ Chí Minh, ông Minh cho rằng, trong những năm 2000 – 2001 đường Hồ Chí Minh có quy mô hẹp, chỉ có 2 làn đường dành cho xe chạy, nhiều đoạn cũng chưa đạt được tiêu chuẩn của quốc lộ. Qua đó, chúng ta đã định hướng phát triển tuyến đường để đảm bảo hạ tầng giao thông được thông suốt liên tục từ điểm đầu đến điểm cuối Tổ Quốc.
Minh chứng cho vai trò quan trọng của đường Hồ Chí Minh thể hiện ở những năm đất nước gặp mưa bão, ngập lụt, tuyến đường quốc lộ 1 bị ngập gây ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện không thể di chuyển qua điểm ngập lụt, đường Hồ Chí Minh đã giúp cho việc giảm tải giao thông cho quốc lộ 1 các phương tiện lưu thông.
Ông Minh cho biết: “Ngoài việc đảm bảo giao thông, đường Hồ Chí Minh cũng đã giúp cho sự phát triển kinh tế, giao thương hàng hoá từ vùng cao xuống được với đồng bằng. Đặc biệt, giúp phát triển đô thị tại vùng Tây nguyên, thúc đẩy nền kinh tế của các tỉnh Đắc Lắk, Kon Tum, Gia Lai”.
“Thời điểm tôi công tác tại Bộ GTVT, do ngân sách còn hạn hẹp nên chưa thể phát triển tuyến đường này. Tuy nhiên, đến nay đường Hồ Chí Minh đã được quy hoạch phát triển chạy dài từ Pắc Pó đến mũi Cà Mau, huyết mạch của đất nước nối Nam - Bắc qua cung đường này đã liền mạch. Việc phát triển đường Hồ Chí Minh là một chủ trương phát triển rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước”, ông Minh nhấn mạnh.
Năm 2012, đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố và có tổng chiều dài 3.183 km gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; có tổng chiều dài 3.183 km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499 km, tuyến phía Tây dài khoảng 684 km).
Cụ thể, đường Hồ Chí Minh được xác định có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Các điểm khống chế chủ yếu, tuyến chính qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô)...
Nhánh phía Tây qua các điểm: Khe Cò, Phố Châu, Tân Ấp, Khe Ve, đèo Đá Đẽo, Khe Gát, Đèo U Bò... Hiện nay nhánh phía Tây đã được xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Sau nhiều năm thực hiện xây dựng, phát triển đến năm 2016, mạch đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành chạy dài từ Pắc Pó đến mũi Cà Mau là gạch nối Nam - Bắc qua cung đường này đã liền mạch.
Cuộc đời vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những tướng lĩnh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh ... |
Thi công đường Hồ Chí Minh, gần 100 nhà dân bị hư hỏng
Do chịu ảnh hưởng của việc thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn-Túy Loan, gần 100 ngôi nhà của người dân ở xã Hòa ... |