Từ ngày 15.1.2020, người dân có quyền giám sát lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Quy định trên được người dân và lực lượng chức năng kỳ vọng khi đi vào thực tiễn sẽ giảm được tình trạng tiêu cực của CSGT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động giám sát này phải phù hợp, đúng pháp luật và có văn hóa.
Kỳ vọng giảm bớt tiêu cực, bớt vi phạm giao thông
Theo Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), Thông tư này thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009. Theo đó, từ ngày 15.1.2020, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ 5 là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Đồng tình với quy định người dân được ghi âm, ghi hình CSGT, anh Nguyễn Như Hòa (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Ghi âm, ghi hình CSGT khi làm nhiệm vụ là một hình thức để người dân thực hiện quyền giám sát của mình, qua đó minh bạch, giảm bớt tiêu cực cho các chiến sĩ CSGT cũng như các lực lượng chấp pháp khác. Việc này sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ ý thức hơn trong tác phong nghiệp vụ.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông - cho biết, khi người dân phát hiện có sai phạm, tiêu cực của CSGT thì có thể gửi trực tiếp những bằng chứng, chứng cứ đó về địa chỉ của Cục CSGT cũng như Phòng CSGT. Việc này đã được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Cục CSGT và Công an thành phố. Tại một số địa phương, đơn vị đã thiết lập những fanpage mạng xã hội của CSGT.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể theo dõi những tiêu cực của lực lượng CSGT trên báo chí và mạng xã hội để có thể kiểm tra, xác minh. Cũng phải khẳng định rằng mọi thông tin phản ánh thì chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, xác minh để xử lý theo quy định và thực hiện đúng theo quy định của Luật Khiếu nại và Tố cáo” - Thượng tá Nhật nói.
Giám sát phải đúng luật, có văn hóa
Theo đại diện Cục CSGT, nếu như phát hiện ra những vấn đề sai phạm, tiêu cực của lực lượng CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì người đó sẽ bị xử lý đúng theo quy định của ngành cũng như pháp luật. Về thời hạn kiểm tra xử lý thì lực lượng CSGT sẽ thực hiện đúng theo Luật Khiếu nại và Tố cáo. Còn lại khi xác minh có thông tin thì lực lượng chức năng sẽ chủ động cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó cung cấp cho người dân.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng: Việc giám sát được đặt ra để hoạt động của lực lượng thực thi công vụ kể cả CSGT được công khai, minh bạch. Do đó, có quy định về việc người dân được ghi âm, ghi hình để giám sát CSGT là phù hợp.
Theo ông Xuyền, cơ quan hữu quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách cụ thể khi người dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình để tránh ảnh hưởng tới hoạt động của mình. Cần có những quy định cụ thể để người dân thực hiện việc giám sát nhưng không sai luật. Đồng thời, người dân được quyền giám sát tuy nhiên khi thực hiện sử dụng các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Việc đăng tải, phát tán các thông tin mà vi phạm các vấn đề về bí mật đời tư, vi phạm các vấn đề liên quan tới xúc phạm danh dự, nhân phẩm, an toàn thông tin… thì người đưa lên phải chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật.
“Việc sử dụng những thông tin đó vào mục đích gì, nếu vi phạm những quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm. Nếu đưa thông tin cắt xén làm sai lệch bản chất nội dung, đưa thông tin không chính xác thì cơ quan chức năng có thể xử lý về việc phát tán thông tin đó tùy từng mức độ, hành vi” - ông Xuyền nói.
Điều 11, Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định các hình thức giám sát của nhân dân
1. Thông qua các thông tin công khai của Công an Nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ;
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
* Trao đổi với Lao Động, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Công an TP.Hà Nội) - cho rằng, việc ghi hình CSGT nhằm nâng cao ý thức của người thực thi nhiệm vụ và người ghi hình. Ông Quỹ cho rằng, đối với người thực thi nhiệm vụ sẽ nâng cao tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo đúng điều lệ của ngành, chấp hành mọi quy định được đưa ra. Không những thế, cán bộ xử lý luôn phải học hỏi, nắm chắc luật và thực thi nhiệm vụ một cách nghiêm túc. “Khi cán bộ yêu cầu dừng xe một người dân thì phải biết người dân sai gì, sai ở đâu và mức phạt cụ thể ra sao... chứ không thể làm mà dân hỏi lại không nắm được” - ông Quỹ nói.* LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng: “Khi người dân ghi âm, ghi hình phải đảm bảo an toàn đến bản thân mình và không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Khi người dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình nhưng cũng phải có văn hóa, như không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT hoặc cản trở nhiệm vụ khi truy bắt tội phạm. Người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật”.
* Nói về sự kỳ vọng khi Thông tư này có hiệu lực, Thượng tá Nhật cho biết, trước tiên phải khẳng định đây là sự quyết tâm giám sát, làm rõ vi phạm, tiêu cực của CSGT khi làm nhiệm vụ. Cũng theo Thượng tá Nhật, đơn vị chức năng cũng tiến hành nhiều biện pháp khác, từ đó thể hiện được sự minh bạch phòng ngừa những sai phạm, tiêu cực có thể xảy ra với cán bộ chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ. Ví dụ như trong đợt ra quân kiểm soát nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán thì toàn bộ quá trình làm việc, hoạt động đều được quay phim lại. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc mà lực lượng CSGT phải thực hiện. Điều này chứng tỏ hoạt động của lực lượng CSGT được đặt dưới sự giám sát của nhân dân.
VƯƠNG ĐÔNG NGUYÊN