Dụng ý của Kim Jong-un khi trở thành nguyên thủ Triều Tiên

Vị thế nguyên thủ giúp Kim Jong-un được đối xử ngang hàng gặp các lãnh đạo quốc tế như Tổng thống Mỹ hay Chủ tịch Trung Quốc. 

dung y cua kim jong un khi tro thanh nguyen thu trieu tien
Kim Jong-un (phải) bắt tay Trump tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hôm 27/2. Ảnh: AFP.

Trang tuyên truyền Naenara của Triều Tiên hôm 10/7 công bố toàn văn hiến pháp sửa đổi được quốc hội nước này thông qua hồi tháng 4, nêu rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên đóng vai trò là lãnh đạo tối cao "đại diện cho đất nước". Theo quy định này, ông Kim Jong-un, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, được công nhận là nguyên thủ quốc gia.

Hiến pháp trước đây của Triều Tiên quy định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là "lãnh đạo tối cao" của nước này, còn "người đại diện cho đất nước", hay nguyên thủ quốc gia, là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên, tức quốc hội. Choe Ryong-hae, một trong những quan chức gần gũi nhất với Kim Jong-un, hồi tháng 4 được bầu giữ chức chủ tịch quốc hội.

Thay đổi này có thể tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi tiếp xúc với các lãnh đạo thế giới, bởi quy định trong hiến pháp trước đây khiến ông khó được coi là người đại diện quốc gia.

Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2012 và không có chuyến công du nước ngoài hay gặp gỡ lãnh đạo quốc tế nào trong gần 7 năm tiếp theo. Nhưng từ tháng 3/2018, hoạt động đối ngoại của ông trở nên nhộn nhịp với 15 cuộc họp với các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.

Giới quan sát cho rằng thay đổi hiến pháp này dường như là nỗ lực của ông Kim nhằm thể hiện Triều Tiên như một quốc gia bình thường, có thể tin cậy khi sở hữu vũ khí hạt nhân và cần được xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Việc trở thành nguyên thủ sẽ khiến ông Kim được đón tiếp với nghi thức ngoại giao ngang hàng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hay cuộc đàm phán nào.

Ông Trump và ông Kim đã đồng ý nối lại thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong cuộc gặp lần ba hồi cuối tháng trước tại biên giới Hàn - Triều, thắp lên triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa hai lãnh đạo, cũng như các cuộc tiếp xúc cấp cao với nguyên thủ nhiều quốc gia khác.

Với việc được công nhận là nguyên thủ quốc gia, Kim Jong-un dường như còn phát đi thông điệp rằng ông đã củng cố quyền lực trong nước, giải quyết được mọi mối đe dọa tiềm tàng và hoàn tất việc chuyển giao quyền lực bắt đầu sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời năm 2011.

Tuy nhiên Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích tại Seoul, chỉ ra thực tế rằng Triều Tiên công khai thông tin này qua Naenara, trang tin chủ yếu hướng đến độc giả nước ngoài thay vì trong nước. Theo Lee, động thái này cho thấy Bình Nhưỡng vẫn thận trọng với phản ứng trong nước khi việc hiến pháp sửa đổi được thông qua vào tháng 4, không lâu sau khi Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận với Trump tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.

"Câu hỏi quan trọng là tại sao truyền thông nhà nước Triều Tiên không công bố chi tiết về hiến pháp sửa đổi", Lee nói. "Điều này cho thấy có sự nhạy cảm nhất định trong nước".

Phương Vũ (Theo Bloomberg)

dung y cua kim jong un khi tro thanh nguyen thu trieu tien Kim Jong-un trở thành nguyên thủ Triều Tiên trong hiến pháp mới

Hiến pháp mới được Triều Tiên công bố khẳng định lãnh đạo Kim Jong-un là người đại diện quốc gia trong các hoạt động ngoại ...

/ vnexpress.net