Những ngày qua, các tài xế đang lo sợ về mức xử phạt nặng đối với lái xe uống rượu bia , họ truyền tai nhau những mẹo chống chế, đối phó với máy đo nồng độ cồn.
Luật Phòng chống Tác hại Rượu bia vừa có hiệu lực, đã nhiều trường hợp bị phạt vì có nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông.
Các tài xế lo sợ về mức xử phạt mới đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, họ truyền tai nhau những mẹo chống chế, đối phó với máy đo nồng độ cồn.
Lợi dụng tâm lý đó, nhiều trang mạng xã hội tung ra bán nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí là kẹo có tác dụng "giải rượu bia thần tốc", "hỗ trợ giảm nhanh cơn say", "thuốc giải bia rượu cấp tốc"...
Phân tích vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược- Bệnh viện Bạch Mai cho biết có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu nhưng chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa đối với các trường hợp ngộ độc rượu, nghiện rượu...
"Các loại thuốc này phải được sử dụng dưới chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe" Phó Giáo sư Thắng khẳng định.
Ông phân tích đối với 1 đơn vị cồn (tương đương 300 ml bia hoặc 30 ml rượu), bình thường cơ thể phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ mới đào thải hết nhưng nếu sử dụng thuốc quá trình chuyển hóa có thể diễn ra nhanh hơn 30-45 phút. Tuy nhiên, để thổi bay nồng độ cồn một cách "thần tốc" là điều không thể.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ một sản phẩm dược phẩm nào có công dụng như trên.
Ông Đông cho rằng hiện nay, trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng "giải rượu bia thần tốc" hay "đánh bay nồng độ cồn" như trên mạng xã hội đang lan truyền.
Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở. Và các sản phẩm này cũng không thể giải bia rượu một cách "thần tốc", mà cần phải có một khoảng thời gian nhất định sau khi dùng, sản phẩm mới phát huy tác dụng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho rằng việc mạng xã hội lợi dụng Luật Phòng chống Tác hại Rượu bia để quảng cáo sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng giúp làm bay nhanh nồng độ cồn chỉ trong một thời gian ngắn chính là đánh lừa người tiêu dùng.
Thùy Linh