Dùng môn võ 2000 năm tuổi, nữ cao thủ Trung Quốc hạ gục võ sĩ bất bại MMA

Nữ võ sĩ Trương Vĩ Lệ (Zhang Weili) sử dụng môn võ Trung Quốc giao (vật cổ truyền) để giành chiến thắng trên sàn MMA.

Môn “vật Trung Quốc” (vật cổ truyền Trung Quốc) có lịch sử lâu đời, là một môn thể thao dân tộc đồng thời cũng là một phần di sản văn hóa Trung Hoa. Theo các tài liệu lịch sử và hiện vật khảo cổ, cách đây hơn 2 nghìn năm (có nguồn nói lâu hơn), Trung Quốc đã có bộ môn này.

Môn võ hơn 2000 năm lịch sử

Kỹ thuật và chiêu thức của môn vật cổ truyền Trung Quốc rất phong phú và đa dạng, với các phương pháp thường dùng như: vác, kẹp, nhấc, quấn, đạp, đá, xoắn, ôm, bật, ghì, ôm chân, quỳ chân, móc chân trong, lách tránh, móc gót…

Năm 2017, tờ Sohu cho rằng vật cổ truyền Trung Quốc mới là môn võ truyền thống có tính thực chiến cao nhất. Thời điểm ấy, tờ Sohu khẳng định: “Khi nói về tính thực chiến của môn vật Trung Quốc, không thể không nói tới võ sĩ Diêu Hồng Cương. Anh không chỉ mang vật Trung Quốc vào đấu trường MMA, mà chỉ sau 2 năm tập MMA, anh giành được chiếc đai vô địch MMA quốc tế đầu tiên của Trung Quốc, khi ấy anh 30 tuổi”.

Diêu Hồng Cương từng nói: "Rất nhiều kỹ thuật của vật Trung Quốc có thể ứng dụng trong MMA, và có nhiều kỹ thuật chỉ riêng vật Trung Quốc mới có."

Trung Quốc giao được xem là môn võ truyền thống có tính thực chiến nhất ở Trung Quôc

Trung Quốc giao được xem là môn võ truyền thống có tính thực chiến nhất ở Trung Quôc

Chính nhờ kỹ thuật vật thượng thừa, anh tiến bộ nhanh chóng trong hệ thống huấn luyện MMA. Trong một video tập luyện với võ sĩ MMA hạng nặng Lưu Văn Bác, dù thể hình nhỏ hơn nhiều, Diêu Hồng Cương vẫn nhiều lần vật ngã đối thủ, cho thấy kỹ thuật vật Trung Quốc cực kỳ tinh xảo.

Vật Trung Quốc có nhiều ưu điểm hơn các môn võ truyền thống của Trung Quốc. Môn này được xem là an toàn hơn các môn võ truyền thống, dễ tập thực chiến và thi đấu, giúp kỹ thuật được bảo tồn qua luyện tập thường xuyên, không có chỗ cho gian dối.

Ngoài ra, vật Trung Quốc từng hòa nhập vào hệ thống thi đấu hiện đại, trong khi nhiều môn võ truyền thống khác thường không có luật lệ, bảo hộ, dẫn đến mất dần khả năng thực chiến.

 

Kỹ thuật vật tinh xảo của vật Trung Quốc trở thành kỹ năng bổ sung quan trọng cho MMA, tán thủ… Môn này từng được và được đưa vào Đại hội thể thao toàn quốc của Trung Quốc như một môn đối kháng, trong khi nhiều môn võ khác bị biến thành những bài biểu diễn nặng tính hình thức.

Tuy có lợi thế thực chiến, nhưng năm 1994, vật Trung Quốc bị loại khỏi Đại hội Thể thao Toàn quốc của Trung Quốc vì không phải môn thi đấu Olympic. Hậu quả nặng nề: các đội chuyên nghiệp giải tán, trường thể thao bỏ đào tạo, vận động viên chuyển sang môn khác, chỉ còn vài khu vực tổ chức thi đấu, và nhiều bậc tiền bối phải dạy ở công viên vì thiếu kinh phí, địa điểm và hỗ trợ chính sách. Cho đến năm 2021, vật Trung Quốc mới được đưa trở lại Đại hội thể thao.

Trương Vĩ Lệ dùng vật Trung Quốc ở MMA

Trong lòng người hâm mộ võ thuật Trung Quốc, Trương Vĩ Lệ luôn được xem là một võ sĩ toàn diện về kỹ thuật. Không chỉ xuất sắc trong các môn đối kháng hiện đại, cô còn luôn nỗ lực kết hợp võ công Trung Quốc vào thi đấu. Dù MMA là đấu trường chính, phong cách chiến đấu của cô chịu ảnh hưởng từ nhiều môn võ và đối kháng, trong đó có vật Trung Quốc.

Trương Vĩ Lệ đã học Trung Quốc giao (vật cổ truyền Trung Quốc)

Trương Vĩ Lệ đã học Trung Quốc giao (vật cổ truyền Trung Quốc)

Tờ QQ cho biết: “Trương Vĩ Lệ từng chia sẻ, vật Trung Quốc ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách chiến đấu của mình. Các kỹ thuật vật, kiểm soát đối thủ và chiếm ưu thế trong địa chiến đã giúp cô phòng thủ và phản công hiệu quả hơn trong lồng bát giao. Chính nhờ khả năng vật vượt trội – vốn được rèn luyện qua vật Trung Quốc – cô đã thành công hạ gục võ sĩ bất bại của UFC, Tatiana Suarez vào tháng 2/2025, trong trận đối đầu đình đám, bằng một đòn vật đặc trưng của vật Trung Quốc”.

Đáng chú ý, Tatiana Suarez chưa thua trận nào trước khi đối đầu với Trương Vĩ Lệ. Tuy nhiên trận đấu hồi tháng 2 năm nay là lần đầu tiên, nữ võ sĩ người Mỹ nhận thất bại. Thành tích hiện tại của Suarez là 10 trận thắng và 1 trận thua.

Trương Vĩ Lệ đánh bại

Trương Vĩ Lệ đánh bại "võ sĩ bất bại" Tatiana Suarez bằng Trung Quốc giao

Tinh hoa giao thuật đã được Trương Vĩ Lệ cải tiến để phù hợp với lồng bát gíac. Những kỹ thuật đặc trưng như “biệt tử” (khóa chân) hay “thiêu câu tử” (móc kéo) được giản lược thành các biến thể gọn gàng hơn, phù hợp với tốc độ và cường độ của MMA. Triết lý “quật nhanh, đánh chậm” trong vật Trung Quốc được Trương Vĩ Lệ chuyển thành những tính toán chính xác về thời gian đè ép đối thủ. Bên cạnh đó, cô sáng tạo kết hợp “72 thế khống chế” truyền thống với Brazilian Jiu-Jitsu, tạo ra phong cách kiểm soát mặt đất hiệu quả và khó đoán.

Trận bảo vệ đai trước Jessica Andrade (năm 2019) là minh chứng điển hình cho sự thành công của phương pháp này. Ở hiệp 2, Trương Vĩ Lệ thực hiện kỹ thuật “thiêu câu tử” cải tiến một cách hoàn hảo. Cô giả vờ lùi bước để dụ đối thủ lao vào, sau đó bất ngờ hạ thấp người thực hiện ôm một chân. Cú xoay người 90 độ trên không giúp cô ép đối thủ sang một bên, rồi liên tiếp tung đòn đấm búa trên mặt đất, kết thúc trận đấu bằng một pha KO đầy thuyết phục.

Trương Vĩ Lệ là niềm tự hào của võ thuật Trung Quốc

Trương Vĩ Lệ là niềm tự hào của võ thuật Trung Quốc

Theo tiết lộ từ đội ngũ huấn luyện, giáo án tập luyện của Trương Vĩ Lệ được chia thành ba phần chính: 40% dành cho vật chuyên sâu với 26 thế vật Trung Quốc, 35% cho các đòn đứng với trạc cước Thiếu Lâm, và 25% cho thể lực – phục hồi thông qua Thái cực đạo dẫn. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp cô duy trì phong độ và khả năng hồi phục vượt trội.

Câu chuyện thành công của Trương Vĩ Lệ khẳng định rằng võ thuật truyền thống vẫn có chỗ đứng trong thời đại mới, nếu được điều chỉnh phù hợp. Kỹ thuật cổ truyền cần được “dịch sang ngôn ngữ võ hiện đại” để thích nghi với luật thi đấu. Tinh hoa võ học nằm ở nguyên lý cơ học, chứ không phải ở các chiêu thức cố định. Và quan trọng hơn, sự tự tin về văn hóa chỉ có thể được khẳng định bằng thành tích thực tế trên sàn đấu.

“vật Trung Quốc dạy tôi không phải một động tác cụ thể, mà là sự nhạy bén với trọng tâm cơ thể", Trương Vĩ Lệ chia sẻ sau trận đấu. Chính điều này đã giúp cô trở thành biểu tượng mới của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong MMA thế giới.

https://vtcnews.vn/dung-mon-vo-2000-nam-tuoi-nu-cao-thu-trung-quoc-ha-guc-vo-si-bat-bai-mma-ar955594.html

Sơn Tùng / VTC News