Đúng là chúng ta họp hành quá nhiều. Không riêng gì Chính phủ mà các bộ, ngành, địa phương cũng vậy- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói về Chính phủ điện tử.
Trao đổi với VietNamNet về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương này đã có gần 20 năm và đạt một số thành tựu ban đầu.
Tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi còn hạn chế, chưa đạt được. Ngay cả việc thay đổi nề nếp, cải cách trong các cơ quan nhà nước còn rất khiêm nhường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Thu Hằng
Cán bộ sợ mất quyền lợi sẽ bị mời ra khỏi vị trí
Như Bộ trưởng nói, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất quyền lợi. Làm thế nào để thay đổi được nhận thức này?
Với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh, chúng ta không chấp nhận việc đó. Nhưng muốn khắc phục tình trạng này, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác tư tưởng, coi đó là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ công chức khi thực thi công vụ. “Anh không làm không được, anh phải chịu trách nhiệm, nếu không làm nổi nữa sẽ mời ra khỏi vị trí”.
VPCP hiện nay gương mẫu đi đầu trong ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện VPCP phi giấy tờ, hướng tới giúp cho Chính phủ phi giấy tờ.
Người dân, DN không cần phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ và không cần phải đến cơ quan nhà nước.
Lãnh đạo VPCP cũng sẽ có trách nhiệm trong quản lý, bảo mật, kiểm soát được tất cả văn bản của VPCP xem hiện văn bản đó đang ở đâu, chuyên viên nào đang xử lý, lãnh đạo vụ nào phụ trách, chậm trễ ở đâu…
Nếu làm được như vậy thì nền hành chính sẽ chuyển động rất mạnh, chúng ta sẽ từ bỏ được những quyền lợi đặc thù của cán bộ, không nghĩ tới việc đó nữa.
Câu chuyện họp hành, giấy tờ, tài liệu trong thực tế rất nhiều nơi kêu ca, có nơi không đủ cấp phó để đi họp. Việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giảm họp hành, giấy tờ như thế nào?
Đúng là chúng ta họp hành quá nhiều. Không riêng gì Chính phủ mà các bộ, ngành, địa phương cũng vậy. Số lượng báo cáo cũng quá lớn.
Tới đây, khi đã có xây dựng phần mềm của nội các Chính phủ, tất cả văn bản sẽ được chuyển cho các thành viên Chính phủ và xử lý trước. VPCP tổng hợp tất cả các vấn đề chuẩn bị cho hội nghị của Chính phủ, khi ra cuộc họp chỉ cần biểu quyết và xử lý những vẫn đề còn khác nhau, cũng không cần mang theo giấy tờ, tài liệu vì đã có máy tính để xử lý mọi việc.
Giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tiêu cực
Một trong những kỳ vọng được Chính phủ đặt ra khi triển khai Chính phủ điện tử là sẽ giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân. Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế khi vận hành Chính phủ điện tử?
Chính phủ điện tử với việc tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng giúp làm giảm bớt tiếp xúc trực tiếp giữa người sử dụng dịch vụ công với cán bộ, công chức và vì thế làm giảm tiêu cực có nguy cơ phát sinh từ những cuộc tiếp xúc này.
Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch, và đặc biệt, tạo ra những kênh phải giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng muốn làm được thì chúng ta phải thay đổi nhận thức, thay vì làm giấy tờ truyền thống, hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hoá.
Tất cả vấn đề định danh cá nhân, rồi xử lý hồ sơ công việc bằng số hoá sẽ tạo ra thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ.
Nếu chúng ta làm như vậy cũng sẽ tiết kiệm rất lớn chi phí cho xã hội, chi phí của người dân. Cùng với đó, tạo môi trường lành mạnh trong cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao niềm tin của thị trường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiểm tra tại trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh tháng 6 vừa qua. Ảnh: Nhật Bắc
Theo ông, đâu là những khó khăn, vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chính phủ điện tử và khắc phục bằng cách nào?
Khó khăn lớn nhất vẫn là do tư tưởng con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ, công chức vụ vẫn còn tư tưởng muốn thu gom, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; không muốn rời bỏ quyền lợi, bỏ thói quen cứ giải quyết thủ tục thì người dân, DN phải tìm đến mình.
Phía người dân, DN cũng cần có sự thay đổi, từ việc quen mang hồ sơ giấy tờ đến trực tiếp, không quan tâm đến kết nối mạng, kết nối điện tử thì phải thay đổi cách tiếp cận.
Ngoài ra cũng cần quan tâm đến nguồn lực, nền tảng hạ tầng cơ sở dữ liệu. Nếu chúng ta có hạ tầng tốt, bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an ninh hệ thống, an ninh dữ liệu thì sẽ phát triển bền vững, tránh được rủi ro, sự xâm nhập, chống phá của các thế lực thù địch.
Ngày 28/8, Thủ tướng ký quyết định thành lập UB quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn UB quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin do Thủ tướng làm Chủ tịch.
Dự kiến ngày 1/1/2019, Thủ tướng sẽ ấn nút trục liên thông quốc gia kết nối tất cả các bộ ngành, địa phương.
Cái bắt tay của những \'ông lớn\' để đáp ứng nhu cầu người dùng
Cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng không tiền mặt mở ra thách thức mới, khiến nhiều “ông lớn” phải bắt tay để đáp ... |
Hà Nội lệnh dẹp loạn hàng xách tay, hàng loạt shop bị sờ gáy
Hà Nội tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác “xách tay”, việc giao bán hàng ... |
Lạm phát họp
Thời còn làm lãnh đạo trường đại học, tôi từng dự những cuộc họp vài phút. |