Xử lý vi phạm xây dựng

Đừng để cả doanh nghiệp lẫn người dân “tiền mất tật mang”

Báo điện tử Dân trí ngày 30/10 có bài: Cấp sổ hồng khi “quýt làm cam chịu” của tác giả Phạm Thanh Tuấn nói về việc chính quyền chống lưng, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, giấy phép xây dựng nhưng người dân là người chịu hậu quả khi không được cấp sổ hồng.

Vấn đề nêu trên, nhiều năm qua đã có nhiều đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở Hà Nội lên tiếng và dư luận xã hội bức xúc.

Trước hết cần đặt câu hỏi vì sao tình trạng xây dựng không phép, không đúng giấy phép, không đúng quy hoạch của doanh nghiệp, của cá nhân cứ tiếp diễn mà không thể ngăn chặn. Pháp luật và quy hoạch của ta luôn điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ, từng khu vực. Vấn đề chỉ là việc thực thi không nghiêm minh. Hơn 10 năm trước khi đồng chí Phạm Quang Nghị lên làm Bí thư thành ủy Hà Nội đã có đợt tổng kiểm tra và xử lý vi phạm trong xây dựng, một số nhà vượt tầng đã bị cắt ngọn. Nhưng sau đó, đâu lại hoàn đấy việc vi phạm trong xây dựng lại tiếp tục diễn ra ngay tại trung tâm Hà Nội như tại số 8 Lê Trực hoặc dọc tuyến đường Lê Văn Lương việc xây dựng vi phạm cả quy hoạch lẫn vượt tầng mà báo chí đã phản ánh rầm rộ, rồi không thấy ai bị xử lý. Gần đây, khi vụ cháy tòa nhà chung cư mini làm hàng chục người chết mới vỡ ra việc xây vượt nhiều tầng nhưng không hề bị xử lý và vẫn được phép kinh doanh. Lần này chính đồng chí Phạm Quang Nghị lại phải thốt lên với báo chí là nếu không có người chống lưng thì họ không thể vi phạm được. Người dân thì thắc mắc tại sao trong ngõ sâu mới đổ xe cát, thanh tra xây dựng đã có mặt hỏi dân định làm gì, còn những nhà cao tầng xây không phép, vượt tầng mà thanh tra xây dựng lại không biết nhỉ.

Ở Hà Nội, báo chí và người dân đều biết nếu dân muốn xây dựng vượt tầng theo quy định của giấy phép thì phải nộp tiền cho người có trách nhiệm, giá mỗi tầng tùy theo từng khu vực, ít nhất cũng hàng trăm triệu mỗi tầng. Dân cứ xây, cơ quan và người có trách nhiệm cứ lờ đi, nhưng nếu bị phát hiện, chủ yếu là báo chí phát hiện thì người dân phải chịu việc xây dựng sai phép, còn cơ quan và người có trách nhiệm vô can, cùng lắm cũng chỉ là thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Với các tòa nhà thương mại cao tầng vi phạm pháp luật về xây dựng lại không bị xử lý ngay, người dân mua nhà và đã vào ở hàng chục năm, có người được cấp sổ hồng, có người chưa, khi bị phát hiện thì chính quyền lại ngừng việc cấp sổ hồng tạo nên sự bức xúc, phản đối của người dân. Thậm chí cơ quan chức năng còn lấy cớ bị người dân phản đối nên phải xử lý nghiêm, nặng với doanh nghiệp. Tại sao không phát hiện và ngăn chặn từ đầu, để doanh nghiệp cứ xây, người dân cứ mua. Cuối cùng cả doanh nghiệp và người dân đều “tiền mất tật mang”.

Thiết nghĩ, việc xử lý vi phạm pháp luật phải nghiêm minh, nhưng ai làm người ấy phải chịu. Doanh nghiệp vi phạm phải bị xử lý thật nặng và xử lý cả cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát, còn người dân đã mất tiền mua thì nên được cấp sổ hồng để họ an cư Nước ta đã có luật tiếp cận về quyền thông tin. Người dân có quyền yêu cầu chính quyền cung cấp và chính quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân biết chỗ nào được mua đất xây nhà, tòa nhà nào có phép, người dân có quyền mua để sử dụng.

H.L / Petrotimes