Do nhiễm Covid-19 nên khi trong gia đình có người mắc bệnh hoặc bản thân bị nhiễm thêm một bệnh lý khác, nhiều người không đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Hậu quả là nhiều trường hợp không được điều trị kịp thời khiến bệnh càng trầm trọng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Trong khi hiện nay, nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã “bình thường hóa” hoạt động khám, chữa bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng.
Trẻ tử vong do đi khám muộn
Ngay từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ, bé N.T.A (ở Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi bé chào đời, gia đình dự kiến đưa bé đi khám. Thế nhưng, không may cả nhà bị mắc Covid-19 nên bố mẹ bé quyết định đợi khi có kết quả âm tính sẽ đưa con đi bệnh viện. Đến ngày thứ 9 sau sinh, bé A. bú kém, xuất hiện tím tái, người nhà mới đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bé sơ sinh 9 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, ngưng tuần hoàn. Ngay sau khi nhập viện, bé được các bác sĩ khẩn trương cấp cứu và tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Đáng tiếc, mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
“Một số ca bệnh: Tim bẩm sinh, suy thận… phải tái khám đúng thời gian, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ở trường hợp bé sơ sinh nói trên, nếu được gia đình đưa đi khám sớm hơn, bệnh nhi được theo dõi, đánh giá, từ đó can thiệp, phẫu thuật sớm, đúng thời điểm thì không có sự việc đau lòng xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nói.
Tương tự, bị đau răng và vùng họng đã nhiều ngày, nhưng do đang mắc Covid-19 nên ông N.V.Q (69 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không đi khám mà mua thuốc kháng sinh về nhà tự điều trị. Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện, thậm chí vùng mặt và cổ của ông Q. sưng to, khó thở nên gia đình cấp tốc đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để kiểm tra. Tại đây, bệnh nhân sốt cao, phải thở ô xy, vùng cổ sưng đau lan xuống ngực. Từ hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân, bác sĩ đã phát hiện một ổ áp xe lớn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, hiện đang là đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, trường hợp của ông Q. là một ca bệnh nặng khá đặc biệt. Bệnh nhân là người cao tuổi đang mắc Covid-19 kèm theo tổn thương lan rộng ở vùng cổ nên nguy cơ tử vong rất cao.
Cần xóa bỏ tâm lý e ngại đến bệnh viện trong mùa dịch
Thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhi tới khám tại Bệnh viện Nhi trung ương vào khoảng 2.000 ca/ngày, tăng hơn 30% so với cách đây vài tháng. Dù vậy, số lượng bệnh nhi này chỉ mới ở khoảng 50% so với thời điểm cao nhất khi chưa có dịch Covid-19 (khoảng 4.000-5.000 ca/ngày). Việc gia tăng bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Nhi trung ương những ngày gần đây chủ yếu là do số trẻ chuyển tới từ các tỉnh, đặc biệt là các bé mắc bệnh lý mãn tính, suốt một giai đoạn dài không được lên bệnh viện tuyến trên điều trị, vì lo lắng dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, không thể vì dịch Covid-19 mà bỏ qua những bệnh khác. Trẻ em vẫn có thể mắc các bệnh lý thông thường khác, đặc biệt là trẻ có bệnh lý nền, bệnh mãn tính, bắt buộc phải được tái khám định kỳ.
“Cha mẹ cần chủ động theo dõi và nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Chủ động đưa trẻ đi khám kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất, đừng vì dịch Covid-19 mà bỏ qua “thời điểm vàng” để chẩn đoán, điều trị bệnh. Với những trẻ có dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh mãn tính, gia đình nên cho trẻ tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Thông qua việc theo dõi các chỉ số cơ thể, bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại và đưa ra hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, thời gian cao điểm, tại đây tiếp nhận, điều trị tới gần 500 ca Covid-19, thì nay chỉ còn khoảng 190 ca. Khi khu vực điều trị Covid-19 giảm sức nóng, bệnh viện đang rút dần nhân viên y tế về để tập trung điều trị các bệnh thông thường khác bởi lượng bệnh nhân nội trú tại các khu vực này đang tăng lên, từ 200 ca lên 350 ca/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, các bệnh viện hiện đang dần trở lại hoạt động khám, chữa bệnh thông thường song song với điều trị bệnh nhân Covid-19. Do đó, người dân không nên vì quá lo lắng nguy cơ bị nhiễm Covid-19, mà ngại đến bệnh viện khám, điều trị khi mắc bệnh. Khi đến bệnh viện, người dân cần tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc.
THU TRANG