Đức cần khôi phục nhập khẩu khí đốt từ Nga

Đức cần đưa nhánh còn lại của đường ống Nord Stream vào hoạt động và tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga, theo nghị sĩ nước này.

Theo nghị sĩ Bundestag Steffen Kotre, việc từ bỏ năng lượng của Nga và thay thế nguồn cung cấp khí đốt khác là một sai lầm.

Điều mà Thủ tướng Olaf Scholz vui mừng đang gây thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng tư nhân” - ông Kotre nói. Ông cũng là thành viên của ủy ban quốc hội Đức về bảo vệ năng lượng và khí hậu. Trước đó, Thủ tướng Scholz có lời ca ngợi về những nỗ lực của Đức nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. 

Đức muốn khôi phục nhập khẩu khí đốt từ Nga. (Ảnh minh họa)

Đức muốn khôi phục nhập khẩu khí đốt từ Nga. (Ảnh minh họa)

Giá xăng tăng cao dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa ở Đức. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Đức nên đồng ý mua khí đốt thông qua nhánh còn lại của đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc)”, Kotre nêu rõ.

Dòng chảy phương Bắc là tuyến đường dẫn khí đốt giữa Nga và Đức chạy qua biển Baltic, bao gồm các đường ống Nord Stream 1 và 2, mỗi đường ống gồm hai nhánh riêng biệt. Đức từng nhận khí đốt của Nga thông qua Nord Stream 1, trong khi Nord Stream 2 chưa bao giờ được chứng nhận do những trở ngại thủ tục.

 

Cả hai đường ống đều bị hư hỏng và ngừng hoạt động vào năm ngoái, trong một sự cố được nhiều người coi là phá hoại. Kết quả là Đức mất khả năng tiếp cận trực tiếp với khí đốt của Nga, nơi từng đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu năng lượng của nước này. Một trong hai nhánh của Nord Stream 2 vẫn sống sót, nhưng chính quyền Đức vẫn chưa nối lại quy trình chứng nhận do căng thẳng chính trị với Moskva về xung đột Ukraine.

Theo Kotre, điều này cần phải thay đổi, vì Đức hiện phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt từ các nguồn thay thế so với trước đây khi trả tiền khí đốt của Nga.

“Khí đốt của Nga mang lại lợi nhuận và thân thiện với môi trường, nguồn cung hiện tại của chúng tôi – chủ yếu là khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ - không được như vậy. Đức trả gấp ba đến bốn lần cho những nguồn cung cấp này, nhưng khí đốt từ Mỹ sản xuất bằng phương pháp fracking không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của chúng tôi”, ông nói.

Gần đây, tờ Financial Times đưa tin theo các nhà ngoại giao, EU có thể kéo dài giới hạn giá khí đốt khẩn cấp được đưa ra vào mùa đông năm ngoái để tránh một đợt tăng giá mới.

Theo báo cáo, mặc dù giá năng lượng giảm gần đây và mức dự trữ khí đốt cao, Brussels lo ngại rằng nguồn cung cấp khí đốt vẫn có thể gặp rủi ro trong mùa sưởi ấm do xung đột Israel-Palestine.

Ngoài ra còn có lo ngại về các hành động phá hoại đối với cơ sở hạ tầng khí đốt, đặc biệt là sau vụ rò rỉ gần đây tại đường ống Balticconnector. Đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối Phần Lan và Estonia đã bị đóng cửa hồi đầu tháng này và được cho là do cố ý làm hư hỏng. 

https://vtc.vn/duc-can-khoi-phuc-nhap-khau-khi-dot-tu-nga-ar828913.html

PHƯƠNG ANH (Nguồn: RT ) / VTC News