77 năm nấn ná cõi con người, Du Tử Lê để lại cho đời 77 tác phẩm thơ và văn xuôi.
Chiều 29/4/1975, có hai nghệ sĩ dáo dác chạy loạn, không hẹn mà gặp nhau khi cùng đứng ôm lan can cầu Sài Gòn ngó xuống phía dưới Tân Cảng. Họ trút bỏ quân phục, nhưng đôi người Sài Gòn đang hớt hải trốn chạy đạn pháo vẫn nhận ra đó là hai viên sĩ quan VNCH.
Người lớn tuổi là đại úy Lê Cự Phách, tức nhà thơ Du Tử Lê, người từng đạt Giải thưởng Văn chương toàn quốc năm 1973 cho tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Ông cũng là tác giả Khúc Thụy Du được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc nức tiếng một thời.
Người trẻ hơn, tướng vâm váp hơn là nhà thơ, nhà báo, thiếu úy VNCH Đoàn Kế Tường. Sài Gòn hấp hối, tương lai của họ cũng tan tác. Hai thi sĩ sắp lạc thời đưa mắt nhìn nhau rồi cùng nhìn xuống mặt sông, cố tìm một cơ hội. Dưới đó, mặt sóng nơi neo đậu giang thuyền của Hải quân Việt Nam Cộng hòa cũng đang chao đảo.
Khi hoàng hôn sặc sụa mùi thuốc súng nhuộm đỏ mặt sông, người trẻ hơn mới chịu lên tiếng trước. “Chị Hai tôi có đưa một cây vàng, kêu tôi chạy. Nhưng thôi, má tôi già, tôi ở lại, rồi ra sao thì ra. Anh cầm lấy, chạy nhanh đi. Đừng nấn ná nữa. Hôn thằng bé Lê Tử Du cho tôi nhé. Nói chú Tường xin lỗi. Lần nào vô nhà, chú với bố cũng cũng nhả khói thuốc mù trời làm nó khóc không ra hơi. Giờ thì hết rồi, anh đưa nó đi đi. Đi đến nơi nào không lửa khói...”.
Vậy là chia tay. Đại úy Lê Cự Phách đi rất xa, sang tận nước Mỹ. Căn phòng, ngôi nhà nơi ông sống, dẫu bình yên thì vẫn cứ quanh năm ám khói. Ông không bỏ được thuốc, không bỏ được thói quen, không bỏ được nỗi quay quắt nhớ quê hương. Vất vả nhưng an lành trên đất Garden Grove, Nam California (Mỹ), ông vẫn ngỡ dụ ngôn đời mình được tự viết từ nhiều năm trước:
“Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trên vũng nước cuộc đời...”.
Nhà thơ Du Tử Lê. |
Và ông lại viết, viết và viết. Thơ của ông hoàng thơ tình một thời giai đoạn đó ngập tràn sầu muộn mây Tần, ướt đẫm nỗi hoài cố quốc, mịt mùng thân phận tha hương, dẫu trên đất Mỹ, ông vẫn là thi sĩ người Việt hội nhập thành công hiếm có.
Thập niên 1980-1990, không chỉ các giai phẩm của người Việt mà ngay cả trên những tờ báo lớn của Mỹ như Los Angeles , New York Times.., thơ ông vẫn được giới thiệu trang trọng.
Thơ ông được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam do liên Đại học Berkeley, UCLA, London ấn hành; là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại châu Âu. Ông được mời đi giảng về thơ ca Việt Nam tại nhiều đại học danh tiếng tại Mỹ, Pháp, Đức, Úc... Tác phẩm của ông xuất hiện trong nhiều thi tuyển xứ người.
Bản thân ông cũng được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi thơ. Nhưng ông vẫn chất đầy trong tâm một cảm thức cô độc và tuyệt vọng của kẻ lưu vong hoài cố quốc. Cơ hồ, độc giả trong nước quên mất thơ ông, đời ông, dẫu nhiều nhạc phẩm có lời lấy từ thơ ông, người ta vẫn hát, vẫn say đắm.
Bất ngờ, tháng 10/1985, tên ông xuất hiện, được giới thiệu trang trọng trên báo...Công an TP Hồ Chí Minh. Sau hơn chục năm lao đao, nhà thơ Đoàn Kế Tường tìm được một vị trí công việc tại tờ báo tiếng nói của những người mà nửa đời ông chống lại. Lúc này, ông ký tên là Đoàn Thạch Hãn. Phó Tổng biên tập báo lúc đó là nhà văn Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt.
Trước 1975, ông Ớt là nhà báo khá... cay của phe đối lập ở miền Nam, gắn bó nhiều với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả của chế độ cũ. Xem Đoàn Kế Tường như một người bạn, người em trong làng văn nghệ sĩ, họa sĩ Ớt, một ông cộng sản chính hiệu đưa Đoàn Thạch Hãn vừa mới đi học cải tạo về cưu mang, giao cho một chân biên tập - một cơ hội.
Ở vị trí đó, Đoàn Thạch Hãn không quên người bạn, người anh của một thời. Du Tử Lê vẫn viết thư về hỏi thăm, chia sẻ với người ở lại. Bài thơ Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê, từ bản chép tay trong thư xuất hiện trên mặt báo. Một tuần sau, nó được đăng lại lần thứ hai trên tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Du Tử Lê trở thành nhà thơ lưu vong đầu tiên có tác phẩm xuất hiện và được chào đón trên báo chí ở trong nước.
Nhưng phải mất thêm nhiều năm sau nữa, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, nhất là sau khi Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Du Tử Lê mới có cơ hội quay lại quê nhà.
Không như ông lo sợ và đau đớn, quê hương không quên đứa con lưu lạc. Lớp văn nghệ trung niên vẫn chào đón ông.
Các nhà thơ Trần Từ Duy, Phạm Chu Sa, nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, tay máy (DOP) Nguyễn Hòe, diễn viên Trần Quang, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, diễn viên Lê Cung Bắc...vẫn khoái kéo ông đi nhâm nhi cà phê sáng trong Tao Đàn hay quán Sỏi Đá, nối dài hàn huyên bằng tiệc rượu khan không định trước. Tất nhiên, ông chỉ nhấp môi chút ít. Thời gian còn lại, ông nhả khói phà phà.
Ca sĩ Elvis Phương vẫn giành phòng cho ông trong ngôi biệt thự mới xây bên kia sông Sài Gòn nhìn ra Tân Cảng. Tất nhiên ông chẳng bao giờ đến ở, chỉ ra khách sạn đâu đó ở quận I, gần chợ Bến Thành.
Thơ ông vẫn khiến lớp hậu sinh say mê. Dẫu khác thời, chúng cũng vẫn điên rồ với những yêu đương. Chúng rất thích cái phóng túng ngang tàng và tất nhiên đầy cẩu thả khi ông tuyên bố sẵn sàng “Tặng em chín ngón không đeo nhẫn/ Và những tàn phai đầy tuổi tôi”.
Chúng vẫn bị ông mê hoặc khi thốt ra “Em mới lớn tình như thác đổ/ Thương giùm ta thân ngựa hao gầy”.
Chúng khoái mà bố mẹ chúng cũng thích. Rất nhiều “ai đó” vẫn tin rằng câu “Chỉ nhớ người thôi đã hết đời”, nhà thơ chỉ viết riêng cho họ, cho chính họ. Ca sĩ Mai Khôi vẫn quấn quýt ôm đàn hát ca khúc Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ, cho ông nghe tại phòng trà 46 Phạm Ngọc Thạch của vợ chồng ca sĩ - nhạc sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu...
Có nhiều sinh viên đại học, học viên cao học lấy thơ ông, tác phẩm sáng tạo của ông làm đề tài luận văn tốt nghiệp...
Và thơ ông vui trở lại. Năm 2014, thi phẩm Giỏ hoa thời mới lớn của ông được xuất bản trong nước. Nó khởi đầu cho hàng loạt tác phẩm khác được ông giành riêng xuất bản tại quê nhà.
Sau Giỏ hoa thời mới lớn là tiểu thuyết Với nhau, một ngày nào; tập tùy bút Trên ngọn tình sầu; tùy bút Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời; Tuyển thơ Khúc Thụy Du; tùy bút Giữ đời cho nhau; tập thơ Chúng ta, những con đường...
Bài thơ "Khúc thụy du" in trong tuyển thơ cùng tên của Du Tử Lê. |
Những tập sách ấy, với ông giống như kỷ niệm cùng quê hương hơn là thành tựu của đời cầm bút. Sự nghiệp của ông đồ sộ hơn nhiều.
Về sáng tác, 77 năm nấn ná cõi con người, ông để lại cho đời 77 tác phẩm thơ và văn xuôi. Ông cũng viết rất nhiều tiểu luận, phê bình, nghiên cứu, đa phần đều là bài giảng, bài nói chuyện cho sinh viên các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Thời trai trẻ, ông từng là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Được nước Mỹ góp phần đào tạo, già nửa sau của sự nghiệp sáng tạo, ông cũng thi thố tung hoành trên đất Mỹ.
Nhưng mục đích và tấm lòng của ông vẫn rất Việt Nam. Năm nào ông cũng về, có năm 2-3 chuyến. Thường, cứ sau Tết non tháng là ông có mặt ở Sài Gòn, rồi ra Bắc...
Ông bảo muốn quay về dịp đó để ngó mùa hoa xoan, hoa sấu nở rộn ràng dọc đường Kim Bảng, Hà Nam quê ông hay dặt dìu tỏa hương trên những ngõ đường khuya Hà Nội. Ông bảo, những mơ ước đó, 20 năm sống ở miền Nam, ông vẫn nhớ mà không sao thực hiện được. Mất thêm gần 20 năm nữa ở Hoa Kỳ, lòng ông vẫn quay quắt u hoài, sợ vĩnh viễn không ngày gặp lại. Giờ hiện thực, ông bảo sướng quá, vui quá.
Về giữa quê hương khi tuổi đã xế chiều, lòng ông hóa trẻ thơ.
Lần nào về ông cũng đi với cô Phan Hạnh Tuyền, người bạn đời. Người đón ông đầu tiên bao giờ cũng là nhà thơ, nhà báo Đoàn Thạch Hãn. Giữa hai người là vời vợi một mối thâm tình.
Tôi hậu sinh. Do chơi thân với anh Đoàn Thạch Hãn, tôi được anh nhờ giúp vài chuyện nho nhỏ liên quan đến chuyện in ấn, phát hành, nghiên cứu tác phẩm của Du Tử Lê. Nhờ đó mà quen, mà thân, mà có nhiều dịp được cùng ông hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Tất nhiên, tất cả chỉ xoay quanh văn chương, văn nghệ. Ông bảo, văn chương với ông, hơn cả tình yêu, là sự cứu rỗi, nhất là trong giai đoạn trầm luân mưu sinh ở xứ người. Có một đêm chỉ 3 người: ông, Đoàn Thạch Hãn và tôi, ông từng bảo: “Khoảng 10 năm sau khi qua Mỹ, thường trực trong tôi vẫn là ám ảnh về cái chết. Nếu không viết ra được, chắc tôi đã tự kết thúc đời mình. Văn chương đã níu tôi ở lại”.
Tác giả và nhà thơ Du Tử Lê. |
Hơn cả sự hồi sinh, sáng tạo còn giúp ông trẻ lại, hóa trẻ thơ. Mà ông trẻ thật, rất già nhưng vẫn trẻ, với nụ cười hiền lành, phúng phính rất ngây thơ. Mắt ông cứ cười nheo nheo không giấu nổi hai chữ đa tình.
Hơn một lần, tôi từng thú vị ngồi ngó ông mút que kem giữa phố Sài Gòn. Tay run run, mút kem những phải đỡ thêm chiếc dĩa bên dưới, sợ kem rớt. Bảo đổi dùng kem ly khỏi rớt, ông dứt khoát không chịu, cứ cười nheo nheo: “Sao mà sung sướng thế này”. Tôi hiểu và không nói gì, chỉ sợ khiến mạch hồn nhiên của ông kinh động. Giữa quê hương, lão thi sĩ đang mút tuổi thơ mình.
Tháng 9/2014, nhà báo Đoàn Thạch Hãn qua đời. Ga đến ga đi vắng cố tri đón tiễn, Du Tử Lê cũng ít về Việt Nam hơn. Mỗi chuyến về về cũng ngắn ngủi và lặng lẽ hơn. Phần vì sức khỏe ông “đã thân ngựa hao gầy”, phần nữa, ông không nói nhưng tôi đoán được, là chút nỗi niềm “Biển sáp thù du thiểu nhất nhân” (buồn bẻ thù du thiếu một người).
Tôi không chắc họ có hẹn nhau không. Mà có khi, tri âm thì vẫn gặp không cần hẹn. Và bữa nay, tiết trùng cửu (9/9 Âm lịch), mùa bẻ thù dù vừa đi qua, tôi nghe tin ông tạ thế (hôm thứ 2, mùng 7/10)... Một đời tài hoa, đa tình giữa hồn nhiên đã khép.
Ông đi, nhưng nhiều người sẽ nhớ, như thơ ông từng viết:
Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạnnói gì kiếp khác với đời sau.đôi khi nghe ấm trên da, thịtnhư thể ai đi mới trở về.
Hai người bạn vong niên lớn tuổi của tôi, Du Tử Lê và Đoàn Thạch Hãn chắc giờ đã hội ngộ cùng nhau. Chắc ở nơi nào đó, ông Đoàn Thạch Hãn lại đang lơ đãng bắc ghế đẩu ngồi ngó ông Du Tử Lê tay cầm que kem đưa miệng mút, tay đỡ chiếc dĩa nhỏ sợ kem rơi trong buổi chiều nhiều gió.
Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?
Tôi sẽ nhớ. Nhắc thơ ông, tôi muốn hình dung thêm ngàn năm bóng ngón tay cầm đỡ que kem thơ bé thôi mà.
Và tôi cũng đoán ra họ sẽ gặp nhau ở đâu. Chiều nay tôi sẽ ra ôm lan can cầu Sài Gòn ngó xuống Tân Cảng. Bóng thi sĩ và tri kỷ hẳn đang tan trong hoàng hôn chao trên mặt sóng...
Nhà thơ Du Tử Lê qua đời |
“Thuyền và biển” cùng nhà thơ Xuân Quỳnh lên trang chủ Google |
Bí ẩn điệp viên duy nhất được chôn ở nhà thờ Thánh Paul |