Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 2 tháng từ ngày 2-6-2020 đến ngày 2-8-2020. Dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều quy định...
Khi mở cửa xe không được gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác
Chương II
HỆ THỐNG BÁO HIỆU VÀ QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Mục 1
HỆ THỐNG BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
Điều 7. Báo hiệu đường bộ và thứ tự hiệu lực
1. Báo hiệu đường bộ, gồm:
a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
b) Tín hiệu đèn giao thông;
c) Biển báo hiệu;
d) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
2. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ theo thứ tự như sau:
a) Người điều khiển giao thông;
b) Đèn giao thông;
c) Biển báo hiệu;
d) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
3. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có biển báo hiệu có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.
Điều 8. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
1. Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại.
2. Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi.
3. Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
Điều 9. Tín hiệu đèn giao thông
1. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
2. Thứ tự lắp đặt các màu của đèn tín hiệu như sau:
a) Theo chiều thẳng đứng: Đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới;
b) Theo chiều ngang: Đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều lưu thông.
Điều 10. Biển báo hiệu giao thông
1. Biển báo hiệu đường bộ gồm các nhóm:
a) Nhóm biển báo cấm là nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt;
b) Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là nhóm biển báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm hoặc các điều cần chú ý trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời. Biển có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu;
c) Nhóm biển hiệu lệnh là nhóm biển để báo các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông phải chấp hành. Trừ một số biển đặc biệt, các biển thể hiện hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông biết;
d) Nhóm biển chỉ dẫn là nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Biển có hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam;
đ) Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ là nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung biển chính hoặc được sử dụng độc lập;
e) Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, các tình huống về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
2. Hiệu lực của biển báo hiệu
a) Hiệu lực của các loại biển báo nguy hiểm và cảnh báo và biển chỉ dẫn có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy;
b) Hiệu lực của các loại biển báo cấm và biển hiệu lệnh có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường;
c) Biển báo khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của biển báo. Biển báo khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả biển báo và đèn tín hiệu theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 7.
3. Vị trí đặt biển báo hiệu
a) Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông;
b) Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi;
c) Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m.
Điều 11. Vạch kẻ đường
1. Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
2. Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe. Vạch kẻ đường có ý nghĩa báo hiệu bổ trợ cho đèn tín hiệu và biển báo.
3. Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
4. Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, chỉ rõ khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.
5. Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự quy định.
Điều 12. Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, tiêu phản quang, dải phân cách và lan can phòng hộ
1. Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ đặt ở mép của các đoạn đường nguy hiểm có tác dụng hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường.
Tường bảo vệ còn có tác dụng bảo vệ cho các phương tiện tham gia giao thông khỏi văng ra khỏi phần đường xe chạy. Tường bảo vệ đồng thời cần có tác dụng dẫn hướng cho lái xe vào ban đêm bằng vạch sơn đứng hoặc tiêu phản quang gắn trên đó.
2. Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.
3. Tiêu phản quang là thiết bị dẫn hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang có thể được bố trí bên đường, trên dải phân cách hoặc trên mặt đường tại nơi mà tuyến đường có thể gây ngộ nhận hoặc lúng túng về hướng đi.
4. Dải phân cách là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó được dùng để phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều xe chạy.
5. Lan can phòng hộ có tác dụng nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa các xe đâm xuyên qua chiều đường ngược lại hoặc văng ra khỏi phần đường xe chạy.
Người khuyết tật trên lối đi riêng từ đường Võ Nguyên Giáp ra bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)
Mục 2
QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 13. Quy tắc chung
1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Người điều khiển phương tiện tham giao giao thông phải chú ý đặc biệt để bảo đảm an toàn cho những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như người đi bộ, người đi xe đạp, đặc biệt là trẻ em, người già và người khuyết tật.
3. Người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Điều 14. Người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông
1. Người đi bộ:
a) Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường;
b) Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ;
c) Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải chú ý quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường;
d) Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2. Người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông:
a) Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ;
b) Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị;
Các phương tiện giao thông nhường đường cho người khiếm thị;
c) Người mắc bệnh tâm thần, những người hạn chế về mặt trí tuệ khi tham gia giao thông cần có người giám hộ dẫn dắt;
d) Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt;
đ) Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Điều 15. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác
1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.
Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) phải đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.
4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Điều 16. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường bộ
1. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.
Khi dừng trên lòng đường không được gây cản trở cho các phương tiện khác đang tham gia giao thông.
2. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
3. Không được thả súc vật trên đường.
Điều 17. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
đ) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh;
b) Sử dụng ô (dù);
c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Điều 18. Sử dụng làn đường
1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
2. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
3. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
4. Các phương tiện di chuyển trên các làn đường cùng chiều của các đường có từ hai làn đường trở lên mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau và phải chấp hành quy định về tốc độ, quy định về làn đường dành riêng cho một hoặc một số loại phương tiện.
5. Trên làn đường dành riêng cho một loại phương tiện, người điều khiển loại phương tiện khác không được đi vào làn đường đó.
Ở những nơi có làn đường dành cho xe ưu tiên, chỉ xe ưu tiên mới được đi vào làn đường này.
6. Trên đường hai chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại, trừ trường hợp tổ chức giao thông cho phép.
Điều 19. Vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt
1. Khi vượt, các xe phải vượt về phía bên trái của xe bị vượt theo chiều di chuyển, trừ các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này thì được vượt về bên phải.
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
3. Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây cản trở đối với xe xin vượt.
Trường hợp người điều khiển phương tiện phía trước quan sát phần đường phía trước có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì bật tín hiệu chuyển hướng sang trái hoặc đưa tay trái ra hiệu cho xe phía sau biết là chưa vượt được.
4. Khi đã vượt qua, người điều khiển phương tiện phải bật tín hiệu chuyển hướng sang phải, đi vào đúng làn đường của mình.
5. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, xe ở một làn chạy nhanh hơn xe ở làn khác thì không phải là vượt.
6. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
7. Các trường hợp được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
8. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế; trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
g) Nơi có biển báo cấm vượt;
h) Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
i) Ở gầm cầu hoặc đường hầm.
Điều 20. Chuyển hướng xe
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất; nơi có biển báo cấm quay đầu; trên đường một chiều, trừ khi có sự chỉ huy, điều khiển của Cảnh sát giao thông hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Điều 21. Lùi xe
1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Điều 22. Tránh xe đi ngược chiều
1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
Điều 23. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng xe, đỗ xe;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường họp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc buộc phải đỗ tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe hoặc có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường.
4. Trừ trường hợp tổ chức giao thông cho phép, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.
Điều 24. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 23 của Luật này và các quy định sau đây:
1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.
2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được dừng, đỗ phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
3. Trường hợp mỗi chiều đường có một làn xe cơ giới, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
Điều 25. Mở cửa xe
1. Khi mở cửa không được gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
2. Trước khi mở cửa phải quan sát, khi thấy an toàn mới được mở cửa.
3. Không được mở cửa, để cửa mở khi phương tiện đang di chuyển.
"Phí cao tốc cả đời"- vô lý ngay từ sau 2 chữ “cả đời” được xướng lên!
Quỹ bảo trì đường bộ đã được thu theo đầu phương tiện. Người dân đã phải đóng không thiếu đồng nào. Nếu phí cao tốc, ... |
Điểm mới dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi
Xe máy dưới 50cc cần bằng lái A0; dừng trước đèn xanh nếu hướng đi bị ùn tắc... là điểm mới của dự thảo Luật ... |