Dự kiến thêm 3 đại học quốc gia, 'xoá sổ' 20 trường cao đẳng

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục bậc đại học, từ nay đến 2023, Việt Nam sẽ có 5 đại học cấp quốc gia và 5 đại học cấp vùng.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá, hệ thống trường đại học hiện nay phát triển không đồng đều, còn nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học gồm các trường công lập và ngoài công lập; 20 trường cao đẳng sư phạm.

Các trường tập trung ở các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (18,4%), Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).

Việt Nam dự kiến có 5 đại học quốc gia, 'xoá sổ' 20 trường cao đẳng. (Ảnh minh hoạ: HUST)

Việt Nam dự kiến có 5 đại học quốc gia, 'xoá sổ' 20 trường cao đẳng. (Ảnh minh hoạ: HUST)

Theo ông Dũng, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước bị phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GD&ĐT) tỷ lệ cao.

 

Đồng thời, số lượng các trường đại học địa phương khá lớn (26 trường) trong khi quy mô đào tạo của các trường này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.

Trước những bất cập về hệ thống cũng như những đòi hỏi từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền, sau khi phân tích đánh giá, Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng 30 trường trọng điểm bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Dự kiến năm 2030 sẽ có 5 đại học quốc gia.

Dự kiến năm 2030 sẽ có 5 đại học quốc gia. 

Như vậy đến năm 2030, Việt Nam thêm 3 đại học quốc gia: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế bên cạnh 2 đại học quốc gia hiện nay.

Bộ GD&ĐT cũng xác định phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở trường Đại học Vinh, trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Tây Nguyên và trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.

Khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 trường tư thục. Ngoài ra sẽ chỉ còn 50 trường đại học đào tạo giáo viên. Như vậy, năm 2030 không còn tồn tại mô hình trường cao đẳng sư phạm.

18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.

18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT.

Khi đưa ra các thông tin liên quan quy hoạch mạng lưới, nhất là việc xây dựng các trường đại học trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn cơ sở giáo dục đại học để đưa vào danh sách. Điều này đã được thể hiện rõ tại buổi tọa đàm khi lãnh đạo các trường đều mong muốn trường mình có tên trong danh sách.

Việt Nam từng quy hoạch mạng lưới đại học vào năm 2013. Một số mục tiêu đến năm 2020 là cả nước có 460 cơ sở giáo dục đại học (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), với 2,2 triệu sinh viên. Ngoài ra, một cơ sở đào tạo lọt top 200 thế giới, khoảng 3% tổng số sinh viên là người nước ngoài.

Hiện, cả nước khoảng 650 cơ sở giáo dục đại học (gồm 244 đại học, trường đại học, còn lại là cao đẳng) với 2,1 triệu sinh viên. Trong đó, 4 trường lọt top 1.000 của hai bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới là THE và QS, thứ hạng cao nhất là 514. Số sinh viên quốc tế ở Việt Nam khoảng 45.000, tương đương hơn 2% tổng số sinh viên.

https://vtc.vn/du-kien-them-3-dai-hoc-quoc-gia-xoa-so-20-truong-cao-dang-ar837717.html

HÀ CƯỜNG / Theo VTC News