Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, mức đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng dự kiến sẽ lên tới hàng tỷ USD.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với chủ trương tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bên cạnh đó cũng cho nghiên cứu các chương trình phát triển điện hạt nhân.
Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương cho biết, đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo lên Chính phủ, báo cáo các cơ quan thẩm quyền, trên cơ sở được sự đồng ý về mặt chủ trương của Trung ương và gần đây Quốc hội cũng thống nhất nội dung này.
"Vấn đề đặt ra là chúng ta tổ chức, triển khai thế nào?", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Về mức đầu tư, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng dự kiến sẽ lên tới hàng tỷ USD. Mức đầu tư cụ thể thế nào còn tùy thuộc vào quy mô, yêu cầu công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: VGP)
Về các lợi ích mang lại từ dự án này, lãnh đạo Bộ Công Thương nói có ba lợi ích lớn nhất. Trong đó, dự án sẽ tạo được nguồn năng lượng nền, xanh, đáp ứng “tiêu chuẩn kép” trong xu hướng phát triển xanh, năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng.
Dự án này cũng mang lại nguồn năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh, cho vùng, mà còn cho toàn quốc, đồng thời còn “hướng tới xuất khẩu”.
Cũng theo Thứ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu, trong đó, trước hết phải hoàn thiện về mặt thể chế. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về điện hạt nhân.
Chính phủ cũng đã có phiên họp và dự kiến sẽ sửa đổi luật về năng lượng nguyên tử, làm cơ sở trong phát triển điện hạt nhân. “Về cơ bản, đã đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện”, ông Tân khẳng định.
Bộ Công Thương đã tham mưu, thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác khởi động lại chương trình này. Ban chỉ đạo sẽ do Thủ tướng làm Trưởng ban, một Phó Thủ tướng làm Phó trưởng ban. Bên cạnh đó sẽ có các Bộ trưởng là thành viên.
Tổ công tác sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và Tổ trưởng sẽ là Bộ trưởng Công Thương.
Nhấn mạnh Bộ Công Thương sẽ sớm trình sửa đổi bổ sung quy hoạch điện 8, ông Tân cho biết, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án cũng là vấn đề rất quan trọng.
Bộ Công Thương cũng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sớm tạo điều kiện để có mặt bằng sạch, tạo được sự đồng thuận của người dân, tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai dự án.