Dự báo mới về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 của Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố cho thấy, trong năm nay, Ngân hàng UOB duy trì dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức 6%, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ Việt Nam là 6,0 - 6,5%.

UOB dẫn dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng lên 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/2023. Kết quả này vượt xa cuộc thăm dò của Bloomberg là 6% nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của UOB là 7%. Như vậy, bất chấp một năm khó khăn, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023. Trong năm tới, tình hình kinh tế dự báo vẫn còn nhiều thử thách và rủi ro. Tuy nhiên, triển vọng của Việt Nam được hỗ trợ từ sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác.

3350-1706654747115
Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn.

Căn cứ chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng với GDP tăng trưởng 6% và 6,5%. Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng vừa dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024: Kịch bản 1, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,13% và kịch bản 2 là 6,48%.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được các kịch bản và mục tiêu trên trong năm 2024 là không hề đơn giản với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Nhất là xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường, lạm phát toàn cầu năm 2024 vẫn được dự báo ở mức 5,8%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2024 có rất nhiều động lực mới cho tăng trưởng, vấn đề chỉ là thực thi sao cho hiệu quả. Với đà phục hồi thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm cao hơn, khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát tăng 3,5-4% năm 2024 là khả thi, dù mức tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo ở mức thấp hơn (4,5%) do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số thách thức chính với Việt Nam trong năm 2024, trong đó, kinh tế thế giới không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại, chậm hơn năm 2023; du lịch quốc tế phục hồi chậm; tăng trưởng đầu tư tư nhân thấp; mặt bằng lãi suất giảm nhưng còn cao; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế tăng, tác động tiêu cực đến Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động; đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung. Mặt khác, cần chủ động áp dụng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...). Thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro (nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, công nghệ, dữ liệu...).

Về các động lực để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế các quý năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, phải ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành…

Phan Đức / CAND