Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng lượng mưa trên toàn quốc được dự báo thấp hơn trung bình năm ngoái từ 20-50%.
Ngày 29/11, tại hội nghị "nâng cao hiệu quả phòng, chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên", ông Lê Viết Xê - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho hay, trong tháng 12, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Trình bày báo cáo của của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ông Xê cho hay "giai đoạn đầu năm 2019 ít có khả năng xuất hiện bão trên biển Đông; nhưng khu vực ven biển và các vùng biển khu vực Bắc và giữa Biển Đông có thể sẽ xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra".
Theo ông, dự báo các cơ quan khí hậu trên thế giới đều cho thấy trạng thái El Nino sẽ duy trì trong các tháng cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019 với xác suất trong khoảng 70- 80%. Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình năm ngoái từ 20-50%.
Với lượng mưa thấp, tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên trong các tháng đầu năm 2019.
Hồ chứa thủy điện Bình Điền ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Trước dự báo trên, ông Nguyễn Văn Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam không huy động các nhà máy thủy điện để ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn, cấp nước cho sinh hoạt và dòng chảy môi trường; không xử phạt các nhà máy thủy điện do mất cân đối nguồn nước tự nhiên.
"Các chủ đập, hồ chứa cần quan tâm đầu tư thiết bị quan trắc, bố trí và đào tạo đội ngũ đủ năng lực để vận hành công trình", ông Phương nói.
"Thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn"
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó cục trưởng ứng phó và khắc phục thiên tai (Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) nêu vấn đề, công tác dự báo lũ về hồ chứa ở miền Trung- Tây Nguyên trong hơn 2 năm qua "chưa chính xác và kịp thời".
Theo ông, một trong các nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn khiến dữ liệu đầu vào còn hạn chế.
"Mạng lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông còn khá thưa, đặc biệt vùng thượng lưu, bình quân 375 km2 mới có một trạm. Số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu tính toán dự báo lũ và phục vụ vận hành hồ chứa" ông Hải nói.
Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) một trong những hồ chứa cắt lũ ở lưu vực sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh
Ngoài ra, lãnh đạo Cục ứng phó và khắc phục thiên tai còn cho rằng sự phối hợp trao đổi thông tin, số liệu khí tượng thủy văn, lưu lượng xả giữa các cơ quan quản lý hồ chứa chưa chặt chẽ và kịp thời.
Đồng ý với nhận định trên, đại diện Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam phản ánh, việc cảnh báo mưa lũ về hồ của các chủ đập thủy điện lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn chưa kịp thời và chính xác; số liệu dự báo tại các thời điểm chưa thống nhất, chưa dự báo được thời gian xuất hiện đỉnh lũ, việc tính toán và vận hành điều tiết lũ còn bị động.
Theo Tổng cục thủy lợi, khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có tổng số 2.393 hồ chứa thủy lợi các loại; được phân loại thành 330 hồ chứa lớn, 2.063 hồ chứa vừa và nhỏ. Trong đó hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) là các hồ quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Các hồ chứa tại miền Trung-Tây Nguyên đã góp phần giảm ngập lụt vùng hạ du tại các địa phương. |
Hà Nội còn rét về đêm và sáng sớm, ngày nắng đẹp, nhiệt độ 17-28 độ C
Ngày 30/11, Sài Gòn mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có thể mưa rào nhẹ. Cùng lúc, Đà Nẵng nhiều mây, trời mưa rải ... |
Không khí lạnh tràn về, miền Bắc mưa rét, có nơi 13 độ C
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ sáng nay có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, sau có mưa ... |
Võ Thạnh