Dự án chống ngập 10.000 tỉ nguy cơ tiếp tục trễ hẹn

Chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn cam kết bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án chống ngập 10.000 tỉ nhưng một số địa phương vẫn chưa kịp hoàn thành nhiệm vụ.

du an chong ngap 10000 ti nguy co tiep tuc tre hen
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM đang thi công - Ảnh: Hà Mai

Trễ cam kết giao mặt bằng

Sau thời gian ngưng trệ vì hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục giải ngân, từ đầu năm đến nay, Thành ủy, UBND TP.HCM liên tục tổ chức các buổi khảo sát thực địa nhằm ghi nhận thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư) nhanh chóng hoàn thành, đi vào hoạt động. Từ chủ đầu tư đến các sở, ban, ngành, tất cả đều cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, đưa dự án "về đích" trong năm 2019. Khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng cũng được các quận, huyện nhiều lần khẳng định sẽ bàn giao trước 30.6, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư tiến hành thi công. Thế nhưng tại buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện liên quan về tình hình bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án do Thường trực HĐND TP tổ chức mới đây nhất, các địa phương vẫn than khó bàn giao mặt bằng theo đúng thời hạn cam kết vì hiện nay một số trường hợp bị giải tỏa còn vướng về thủ tục pháp lý.

Cụ thể, hiện trên địa bàn Q.4 còn 2 tổ chức bị ảnh hưởng đã đồng ý ký văn bản nhưng do tiền bồi thường phía Công ty Trung Nam chưa chuyển nên quận chưa ký quyết định bồi thường chính thức. Trường hợp này cũng xảy ra tương tự với 13 hộ dân chưa bàn giao tại H.Bình Chánh. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện phía chủ đầu tư - Công ty Trung Nam cho biết 2 tổ chức tại Q.4 đã thỏa thuận xong, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để nhận tiền. Riêng H.Bình Chánh còn khoảng 5 - 6 hộ đang tiếp tục thương lượng.

Trong khi đó, đại diện UBND H.Nhà Bè (địa phương có số hộ dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất) thừa nhận không thể bàn giao kịp mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 6 vì hiện nay trong 59 hộ dân có đất bị thu hồi, còn nhiều trường hợp vướng pháp lý, đang chờ TP phê duyệt giá đất T2 để tiếp tục thương lượng. Q.8 có 15 trường hợp vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện nay qua thẩm định tiến hành thu thập hồ sơ pháp lý có 5 trường hợp trên thực tế là đất ở nhưng theo hồ sơ pháp lý là đất nông nghiệp nên quận đang chờ xin ý kiến Sở Tài nguyên - Môi trường TP để áp giá bồi thường.

Quá sốt ruột trước tiến độ của dự án, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan vừa đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu các quận, huyện tuy cần hạn chế tối đa các trường hợp phải cưỡng chế nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị kỹ các thủ tục để tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân không tự nguyện bàn giao mặt bằng cho việc thi công xây dựng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công trước ngày 30.6. Thế nhưng với tình hình hiện tại, thời hạn này rất khó có thể đạt được.

Chưa chắc giúp TP thoát ngập

Được kỳ vọng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, hiệu quả của dự án chống ngập trọng điểm này cũng là vấn đề được người dân cũng như lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, tại buổi báo cáo tình hình triển khai dự án với Đoàn giám sát HĐND TP hồi tháng 5, khi các thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi về tác động của dự án sau khi hoàn thành, có thể giúp TP.HCM hết ngập không, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty Trung Nam, trả lời: "Có thể có, có thể không". Vị này giải thích, năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Trong đó chủ yếu là các công trình, dự án nạo vét cống, kênh rạch, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đô thị. Tuy nhiên do nhiều sự thay đổi khách quan từ biến đổi tự nhiên, đến năm 2008, Quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận.

"Dự án chúng tôi đang làm thuộc Quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu các dự án theo Quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì hệ thống cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả. Do đó, người dân không nên hiểu nhầm dự án hoàn thành là TP.HCM sẽ hết ngập”, ông Tiến lý giải.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó ban quản lý Khai thác hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), giải thích thêm: Ngoài nhiệm vụ kiểm soát triều, dự án chống ngập 10.000 tỉ còn giúp giảm mực nước, hỗ trợ thoát nước phía trong TP. Tuy nhiên vẫn cần kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị tốt, đồng bộ thoát trong, bơm ngoài mới có thể giải quyết bài toán ngập cho TP.HCM.

“Chúng tôi đang tham mưu cho TP từng bước thực hiện hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng các khu vực trữ nước nhằm giải quyết bài toán thoát nước mưa, nước mặt, đồng bộ cùng công trình kiểm soát ngập do triều. Các dự án thuộc Quy hoạch 1547 và Quy hoạch 752 đang được triển khai song song, đồng bộ, đảm bảo tương hỗ, bổ trợ cho nhau”, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng nói.

du an chong ngap 10000 ti nguy co tiep tuc tre hen Bí thư Thành ủy TP HCM khảo sát, chỉ đạo liên quan dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Vấn đề mặt bằng đã được các địa phương cam kết bàn giao trong tháng 6. Đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư ...

du an chong ngap 10000 ti nguy co tiep tuc tre hen Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tiếp tục rắc rối

Vì chưa nhận được tiền tư vấn trong một năm qua nên Liên danh Tư vấn Giám sát hợp đồng dự án Chống ngập do ...

/ Báo Thanh Niên