(Thị trường) - Toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và quyền sử dụng đất tại dự án Hải Phát Plaza đang được thế chấp ngân hàng.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố danh sách 92 dự án thế chấp ngân hàng trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý có nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản xuất hiện trong bảng danh sách này.
Theo bảng danh sách này, tính đến cuối tháng 8/2018, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát vẫn đang thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình hỗn hợp cao tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đang thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án xây dựng nhà ở cao 27 tầng tại P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy.
Một “đại gia” khác là Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest cũng nằm trong danh sách này, theo đó, Văn Phú – Invest đã thế chấp quyền sử dụng đất tại khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Dự án Hải Phát Plaza đang được Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát thế chấp ngân hàng.
Công ty Cổ phần Công Đà 1.01 và Công ty Cổ phần Ecoland đã thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam).
Dự án Pandora, số 53, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân - tác phẩm đầu tay của Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình cũng được doanh nghiệp này thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora.
Chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh do Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tecco làm chủ đầu tư; dự án The Garden Hill tại số 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư... cũng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Việc công bố danh sách trên là điều rất tích cực bởi nó giúp thị trường bất động sản minh bạch.
Qua đó khách hàng sẽ biết được dự án mà họ đang muốn mua có thế chấp ngân hàng hay không, dự án đã đủ điều kiện để bán chưa. Đồng thời, khách hàng cũng có thêm kênh thông tin để thẩm định về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp dự án đã thế chấp tại ngân hàng, doanh nghiệp phá sản thì khi xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp, theo quy định sẽ ưu tiên giải quyết nộp ngân sách nhà nước, nợ thuế, nợ ngân hàng. Còn đối với khách hàng và chủ thể liên quan phải được thông qua khởi kiện tại tòa, khi đó sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên được bảo vệ.
Như vậy, tuy bỏ một số tiền lớn để mua nhà, nhưng khi tranh chấp xảy ra khách hàng chỉ có thể bảo đảm quyền lợi bằng cách kiện ra tòa. Đây là vấn đề chưa thể tháo gỡ khiến quyền lợi của khách hàng trong một số trường hợp không được đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong từng cho hay, việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp ở ngân hàng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao giấy chứng nhận cho cư dân.
Khi mang dự án đi thế chấp, chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện những hoạt động liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người dân.
Trên thực tế cũng có nhiều chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng nhưng sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy, trước khi mua nhà, người mua cần tự tìm hiểu kỹ về dự án và năng lực, uy tín của chủ đầu tư.
Tiến Hoàng