Dự án BT: Cơ hội cho lợi ích nhóm

Đối với những dự án BT (xây dựng - chuyển giao), do thiếu công khai, minh bạch, cùng những lỗ hổng pháp lý, rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm, là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng

Hàng loạt bất cập của hình thức đầu tư BT đã được nhiều chuyên gia nêu ra tại hội thảo khoa học: "Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện" do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19-10 tại Hà Nội.

Lỗ hổng dễ trục lợi

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng). So với dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự án BT ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này.

du an bt co hoi cho loi ich nhom

Sau khi doanh nghiệp đầu tư 700 tỉ đồng làm hơn 5 km tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài, TP Hà Nội đã bố trí hơn 197 ha đất cho doanh nghiệp này

"Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích đất rộng lớn của địa phương" - ông Phớc nhận định.

PGS-TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V, cho rằng nhiều dự án BT thực hiện không hiệu quả và là "cơ hội cho lợi ích nhóm, tham nhũng và tiêu cực gây bức xúc dư luận. Một số dự án sau khi hoàn thành theo hình thức BT lại trở thành biểu tượng cho sự lãng phí nguồn lực nhà nước, điển hình như dự án Bảo tàng Hà Nội, dự án BT xử lý nước thải Yên Sở...".

Ngoài ra, theo quy định của điều 29 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, quy định "Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu". Ông Trọng nhấn mạnh đây thực sự là kẽ hở dẫn đến các cơ quan nhà nước áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án BT. "Họ đã ban hành nhiều quy định ngặt nghèo nhằm loại bỏ các nhà đầu tư tiềm năng khác ngay từ vòng sơ tuyển" - ông Trọng nêu.

Theo bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT cho thấy hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT, có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình. Trong khi giá đất bị làm giảm đi để nhà đầu tư hưởng lợi thì tổng vốn đầu tư lại bị "thổi phồng", lập cao so với thực tế và quy định, làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý, nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước.

"Qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỉ đồng đối với 21 dự án BT - tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán" - bà Yến nói.

Cần bỏ cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng"

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh việc giao đất để trả cho nhà đầu tư trước khi hoàn thành công trình hạ tầng là không phù hợp, vì cơ chế "nhà nước quy hoạch hạ tầng, đấu giá khu đất để trả cho nhà đầu tư lấy tiền xây dựng hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn".

Tuy nhiên, ông Võ cho biết Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho phép thực hiện ngay điều này trong lúc dự án đang triển khai. Điều này chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất lớn và khả năng thất thoát tài sản đất đai là có thể xảy ra trên thực tế. "Cơ chế đầu tư BT chỉ nên áp dụng đối với địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém và ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư" - GS Đặng Hùng Võ nói.

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, đề nghị cần tạo dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý để điều chỉnh và chế tài các hoạt động liên quan đến phương thức đầu tư này, ngăn chặn lợi ích nhóm giữa cơ quan quyền lực với doanh nghiệp thực hiện dự án.

Theo GS Đặng Hùng Võ, khung pháp luật điều chỉnh đối với các dự án BT cần có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát. Không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá về giá trị.

du an bt co hoi cho loi ich nhom Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

du an bt co hoi cho loi ich nhom Ai đang được hưởng lợi từ dự án đổi đất lấy hạ tầng?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động TP.HCM, chỉ ra hàng loạt bất cập trong các dự án đổi đất lấy hạ ...

http://nld.com.vn/thoi-su/du-an-bt-co-hoi-cho-loi-ich-nhom-20171019213341056.htm

/ nld.com.vn