Bài "Mẹ ru con" - sáng tác của Nguyễn Văn Tý - vang lên ở tang lễ cố nhạc sĩ khi gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt ông, sáng 29/12.
Khoảng 50 người có mặt ở Nhà tang lễ thành phố. Hơn 6h30, ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM, đọc điếu văn: "Sau một thời gian lâm bệnh, dù được bác sĩ cứu chữa, gia đình tận tình chăm sóc, nhạc sĩ mãi mãi vĩnh biệt chúng ta. Sự ra đi của ông là mất mát không gì bù đắp được. Ông là nhạc sĩ trọn đời cống hiến cho âm nhạc cách mạng và bảo vệ tổ quốc. Nguyễn Văn Tý sáng tác khá nhiều, được công chúng mến mộ như Dư âm, Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... Vĩnh biệt ông - giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Ông trở về vĩnh viễn với hành trang trĩu nặng những sáng tác của tình yêu. Tôi hy vọng con cháu ông tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của cố nhạc sĩ".
Di ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Hữu Khoa. |
Trong phút truy điệu, bài Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh...vang lên khiến nhiều người rơi nước mắt. Bà Mỹ Như, 73 tuổi, con gái đầu của cố nhạc sĩ từ Hà Nội vào TP HCM nhìn mặt bố lần cuối. Bà cho biết cuối đời, cha bà thường băn khoăn liệu sau này còn ai hát nhạc ông. "Trong các ca khúc của cha, tôi quý nhất bài Mẹ yêu con. Tôi chưa thấy bài ru con nào da diết đến vậy. Những ngày Tết, tôi nghe bài này mà nước mắt cứ chảy", bà nói.
Giờ di quan, chị Nguyễn Thái Linh, con út nhạc sĩ, bật khóc nói lời cuối: "Con chào bố".Chị vẫn còn giữ nhiều tư liệu, hồi ký âm nhạc ông viết và sưu tập trong gần 70 năm. Những câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác ca khúc đều được ông kể kỹ lưỡng. Chị dự tính có dịp tặng cho hậu bối các tư liệu này như một cách tri ân khán giả hâm mộ ông. Sau khi tang lễ hoàn tất, gia đình tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm Nguyễn Văn Tý.
Ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM, đọc điếu văn. Ảnh: Hữu Khoa. |
Khoảng 7h30, lễ di quan diễn ra. Các đồng nghiệp, khán giả đưa linh cữu về Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. Nơi ông chọn nơi an nghỉ cũng là nơi nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang... nằm xuống.
Trong thư chia buồn đọc tại lễ truy điệu, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, ủy viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, gọi Nguyễn Văn Tý là "Nhạc sĩ của nhân dân". "Ông là một trong những nhạc sĩ tiền bối, có công thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Công chúng sẽ nhớ mãi đến ông với những ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Vượt trùng dương...", bà Mỹ Liên nói.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM - chia sẻ: "Dẫu biết quy luật cuộc đời sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, tôi vẫn thấy đau đớn khôn nguôi trước mất mát này. Từ bài Dư âm vào những năm 1950, ông đã để lại cho nhạc Việt quá nhiều tác phẩm giá trị. Làm sao quên được những Bài ca Năm Tấn, Cô nuôi dạy trẻ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... Đến giờ, sau hơn nửa thế kỷ ra đời, những bài hát ấy vẫn còn vọng vang trên các diễn đàn âm nhạc chính thống, được nhiều người ngân nga...".
Từ phải qua: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, ông Trần Long Ẩn - chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, tại tang lễ. Ảnh: Hữu Khoa. |
Ông Phạm Mạnh Chí, 83 tuổi, thân thiết với cố nhạc sĩ từ ngày trai trẻ, chống gậy đến tiễn bạn. Ông khoe tấm ảnh chụp với Nguyễn Văn Tý thuở trung niên. Cả hai từng gắn bó trong những năm tháng hàn vi. Sau này, khi ông Chí sang Pháp, nhiều khán giả hải ngoại vẫn thường xuyên hỏi thăm nhạc sĩ, nhờ gửi ít quà về biếu. "Nhiều năm không gặp, nghe tin ông mất, tôi bất ngờ lắm dù biết cuối đời sức khỏe ông cũng suy kiệt", người bạn nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất hôm 26/12 tại nhà riêng ở TP HCM vì tuổi già. Sinh năm 1924 tại Nghệ An, ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Trong đó, Dư âm được xem là ca khúc nhạc tiền chiến duy nhất của ông.
Ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng... Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân (1968). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.