Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên mức cao chưa từng có và đang rơi vào thế bế tắc. Bắc Kinh phớt lờ, Donald Trump ra đòn tất tay. Căng thẳng có thể kéo dài cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đây có lẽ là điều Bắc Kinh mong đợi.
Ông Trump ra đòn
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 bất ngờ thông báo chính quyền Mỹ sẽ áp thêm thuế suất 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ 1/9 tới. Mức thuế suất 10% trên có thể được tăng lên 25%.
Con số 300 tỷ USD sẽ bị áp thuế mới không bao gồm 250 tỷ USD hàng hóa đang bị đánh thuế 25%. Điều đó có nghĩa, sắp tới, toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ (khoảng 550 tỷ USD) đều phải chịu thuế quan bổ sung, tỷ lệ từ 10% đến 25%.
Tuyên bố của ông Trump thực sự bất ngờ và là một cú sốc đối với thị trường toàn thế giới trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa nối lại đàm phán trực tiếp sau quyết đình chiến mà ông Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6 vừa qua.
Lệnh áp thuế mới là động thái leo thang căng thẳng chưa từng có của ông Trump đối với Trung Quốc. Nó cũng được hiểu như là dấu chấm hết cho một thỏa thuận đình chiến thương mại vừa mới chỉ tròn 1 tháng tuổi.
Cuộc họp nhạt nhẽo tại Thượng Hải đã chấm dứt đình chiến thương mại Mỹ-Trung. |
Căng thẳng leo thang chỉ 1 ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán trực tiếp với vòng thứ 12 tại Thượng Hải. Cuộc đàm phán đã kết thúc sớm hơn so với kế hoạch và phái đoàn Mỹ đã ngay lập tức ra sân bay về Mỹ.
Mức thuế áp mới thậm chí chưa phải con số cuối cùng, và được ông Trump khẳng định mới chỉ là “một mức thuế nhỏ”. Ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế mới không nhiều, song trên thực tế nó tác động lớn tới tâm lý thị trường.
Đây cũng được xem là một bước ngoặt mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và bởi tính tất tay, “chơi đến cùng” của ông Donald Trump sau những cáo buộc Trung Quốc câu giờ, kéo dài cuộc đàm phán thương mại.
Trước đó, hầu hết các dự báo đều cho rằng, ông Trump sẽ không quyết đấu với Trung Quốc đến cùng bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. Những thành quả kinh tế rực rỡ hiện nay của Mỹ đủ đảm bảo để ông Trump có một chiến thắng trong cuộc đua nhiệm kỳ 2 sắp tới.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy điều ngược lại. Ông Trump quyết chiến trong một cuộc đối đấu thương mại chưa từng có mà không biết hậu quả sẽ ra sao, đối với cả Mỹ và Trung Quốc.
Quyết định của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh ông đã rất thất vọng khi nghe báo cáo lại rằng Bắc Kinh đã không hề thay đổi lập trường, không đưa ra bất cứ đề xuất nào trong cuộc họp tại Thượng Hải cuối tháng 7 vừa qua.
Không những thế, theo ông Trump, Trung Quốc đã không giữ lời hứa mua nông sản của Mỹ với số lượng lớn cũng như không kiểm soát tình trạng xuất lậu Fentanyl, một chất giảm đau gây ra nhiều cái chết cho người Mỹ.
Cũng theo một số báo cáo, các nhà đàm phán Trung Quốc từ chối cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để cải thiện luật sở hữu trí tuệ.
Cuộc đình chiến Mỹ-Trung tại Nhật kéo dài chỉ 1 tháng. |
Tính toán của Bắc Kinh
Sở dĩ nước Mỹ áp thuế lên Trung Quốc là nhằm buộc Bắc Kinh phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế, giải quyết các vấn đề gai góc như: ăn cắp sở hữu trí tuệ, ép DN Mỹ chuyển giao công nghệ để có quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, tài trợ DN trong nước,...
Cuộc chiến thương mại khiến cả Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực, song những dấu hiệu gần đây cho thấy hai bên không sẵn sàng nhượng bộ. Mỹ không rút thuế trước khi Trung Quốc cam kết thực hiện các yêu cầu nói trên. Trong khi đó, Bắc Kinh dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến đấu lâu dài, một cuộc “Vạn lý trường chinh”. Trung Quốc cũng đang giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, tăng cường nhập vàng, đẩy mạnh hợp tác với Nga,...
Với những thành tựu kinh tế Mỹ như hiện nay, không khó có thể hình dung về một chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020 sắp tới. Ngược lại, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến kinh tế Mỹ tụt giảm sau chỉ khoảng 3 quý và khi đó cơ hội cho ông Trump sẽ thấp đi rất nhiều.
Ông Donald Trump tính đòn tất tay lên Trung Quốc. |
Trên thực tế, thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi rất nhiều, từ kiềm chế ban đầu sang ngày càng cứng rắn, nhất là khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không tụt giảm quá sâu như lo ngại.
Trung Quốc đã có những tính toán như việc trừng phạt các công ty Mỹ, hạn chế/cấm xuất khẩu đất hiếm, chậm trễ và hoãn mua máy bay của Boeing, nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm thuế và sắp tới có thể là kích thích tài khóa...
Quyết định chơi tất tay của ông Trump sau cuộc đàm phán nhạt nhẽo tại Thượng Hải cho thấy một thực tế rằng, Mỹ dường như đã nhận thấy khả năng khó thay đổi lập trường của Bắc Kinh.
Song, quyết định chơi tới cùng của ông Trump là khá mạo hiểm. Nó có thể thổi bay những thành quả kinh tế đã đạt được trong gần 3 năm qua. Mặc dù vậy, đó có lẽ cũng là lựa chọn khả dĩ nhất và cũng không phải không có cơ sở khi mà nền kinh tế Trung Quốc gần đây có rất nhiều dấu hiệu bất ổn.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn còn khá cao, 6,2% trong quý 2/2019 nhưng cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 3 thập kỷ qua. Nguy cơ kinh tế Trung Quốc còn nằm ở khối nợ ngầm ở nước này rất lớn, có tính toán lên tới 300% GDP, có thể đe dọa toàn bộ nền kinh tế.
Thương chiến với Mỹ có thể khiến hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc lao dốc khi mất đánh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với khá nhiều bong bóng kinh tế, từ giá nhà quá cao, lao động có xu hướng già nhanh, quỹ lương hưu phình to và có nguy cơ phá sản.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng không bền vững khi dòng vốn đầu tư lớn từ nhà nước tập trung cho dự án cơ sở hạ tầng lớn trong và ngoài nước, nhiều trong số đó phục vụ mục đích chính trị hay lợi ích của quan chức địa phương mà không chú trọng tính hiệu quả kinh tế. Trong lịch sử, Liên Xô từng có những bước đi như vậy và đã không thành công.
Không những thế, nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng tháo chạy của các doanh nghiệp FDI để tránh mức thuế mà Mỹ áp đặt...
Cho tới thời điểm hiện tại, rất khó đoán ông Trump sẽ tiếp tục làm gì, có cách nào kết thúc cuộc chiến thương mại hay không, hay sẽ chơi tới cùng như thông điệp tăng thuế vừa qua và chấp nhận nguy cơ thất thế trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, với động thái mới, vô hình chung ông Trump đang gây áp lực lên Fed khiến cơ quan này có thể sẽ phải đẩy nhanh mà mạnh hơn chính sách nới lỏng tiền tệ. Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ phải hạ thêm lãi suất để cứu tăng trưởng. Các tín hiệu thị trường cho thấy, khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 9 lên tới gần 82%, so với mức dưới 50% trước quyết định của ông Trump.
Bên cạnh đó, vẫn có một sự đồng lòng của nhiều người Mỹ về cuộc chiến chống Trung Quốc, từ chính quyền Donald Trump cho tới quốc hội và những người trong Đảng Dân chủ. Phát biểu tại Thái Lan hôm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc đã hành vi xấu trong thương mại tỏng hàng thập kỷ qua. Mỹ muốn thương mại tự do và công bằng, không phải thương mại làm suy yếu sự cạnh tranh.
Tổng thống Trump: Vụ xả súng tại Texas là “hành động hèn nhát” Tổng thống Mỹ Trump đã gọi vụ xả súng là “hành động hèn nhát” và nói rằng “không có lý do gì để biện minh ... |
Tổng thống Trump: Trung Quốc đang phải trả cho Mỹ hàng chục tỷ USD Ông Trump nói mọi thứ đang diễn ra rất tốt với Trung Quốc, một ngày sau khi thị trường tài chính trên thế giới giảm ... |
Trump muốn đưa Trung Quốc vào hiệp ước kiểm soát hạt nhân mới Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/8 cho biết đã đề xuất ý tưởng về hiệp ước hạt nhân mới với lãnh đạo hai nước ... |
Trump nói áp thuế Trung Quốc mang lại cho Mỹ hàng chục tỷ USD Tổng thống Mỹ hôm nay bảo vệ chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc và cho rằng nhiều nước cũng đang lo ... |
M. Hà