Nhiều hộ dân thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang đối mặt với bệnh tật bởi ruồi, nhặng từ bãi rác tấn công với mức độ rất khủng khiếp. Nhìn cảnh tượng họ ăn cơm cùng... ruồi mà ngao ngán, thậm chí phát ói.
Ngán ngẩm bởi mỗi bữa cơm bị ruồi nhặng bâu kín thức ăn. Ảnh: TRẦN TUẤN
Kinh tởm với... ruồi
Từ thị trấn Đức Thọ rẽ vào đường huyện lộ 527 để đến chùa Am phải mất chừng 2km, nghĩ rằng đây phải là con đường sạch, đẹp, yên bình để du khách tìm đến chốn tâm linh. Thế nhưng, mới rẽ vào được chừng 1km, chúng tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến 1 bãi rác rộng lớn chừng 4 - 5ha nằm ngay bên phải, cách đường vài chục bước chân với lượng rác khổng lồ đã tập kết trắng bãi, tràn ra đến ngoài đường, chưa được chôn lấp. Mùi hôi thối từ rác bốc lên nồng nặc, ruồi bâu kín đen. Khi chúng tôi ghi lại hình ảnh ô nhiễm này, đã bị ruồi, nhặng như ong vỡ tổ bâu đen kịt lên người. Còn nhiều người dân, cả những em học sinh, khi đi qua đây đã phải bịt mũi, bịt khẩu trang và cố phóng xe thật nhanh để khỏi ngộp thở. Đối diện với bãi rác, ở bên kia đường là 1 nghĩa trang với hàng ngàn phần mộ. Ông Trịnh Công - người dân ở xã Tùng Ảnh - vừa thắp nén hương cho tổ tiên ở nghĩa trang xong, khi bắt gặp chúng tôi đang ghi hình đã thốt lên “Quá hôi thối, quá ô nhiễm, không thể chịu được. Các chú coi phản ánh để chính quyền xử lý không thì bệnh ra cả làng”.
Tìm vào nhà chị Phạm Thị Quý ở thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh, cách bãi rác chừng 300m, chúng tôi chứng kiến ruồi xuất hiện rất nhiều ở bàn uống nước. Hỏi đến nạn ruồi, chị Quý liền tuôn ra 1 tràng: “Không kể hết khổ nữa chú ạ. Đến bữa ăn, không dám dọn mâm mà mỗi người bưng 1 bát đi mỗi góc để ăn, chứ không đuổi nổi ruồi. Trong nhà, có thằng con trai học lớp 7 này, nhiều lúc vừa ăn, nó vừa dõi mắt theo xem phim là ruồi bâu kín bát trên tay, lơ ngơ là và cơm và cả ruồi vào miệng chứ chẳng nói quá đâu”. Chưa hết, chị Quý kể, vì ruồi quá nhiều nên gia đình không thể bỏ tiền ra mà mua tấm keo dính để bẫy nữa. “Có đặt cả chục tấm keo dính thì chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ là ruồi đã bâu kín hết cả rồi. Tiền mô mà mua keo cho thấu” - chị Quý nói tiếp.
Như để chứng minh những gì mình nói, dù chưa đến bữa cơm trưa vì đang chờ chồng đi làm thợ nề về, nhưng chị Quý đã vào bếp xúc ra 1 bát cơm cùng ít miếng thịt bỏ sẵn trên cơm rồi cho cậu con trai ăn trước. Cậu bé vừa đón lấy bát cơm thì lũ ruồi hàng chục con kéo nhau đậu lên người, lên cả bát cơm đang bưng trên tay. “Bãi rác gần nhà dân quá, rồi tình trạng xe tập kết rác nhưng không đổ trong bãi mà đổ ngay ở ngoài đường. Trong rác thì nhiều khi có lợn, chó, gà chết nên rất ô nhiễm, hôi thối, ruồi nhặng từ đó mà bay vào nhà dân” - chị Quý nói.
Theo chị Quý, từ khi có bãi rác, ruồi xuất hiện ở thôn của chị nhiều hơn. Đặc biệt, trong khoảng 3 tháng nay, ruồi xuất hiện quá nhiều, rất mất vệ sinh. Đã nhiều cuộc họp, người dân có ý kiến với chính quyền về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác nhưng không được xử lý quyết liệt. Rác vẫn đổ tràn lan, vương vãi khắp đường, hôi thối không thể chịu nổi. Ô nhiễm từ bãi rác khiến hơn 30 hộ dân trong thôn bị ruồi tấn công, trong đó, mức độ khủng khiếp hơn cả vẫn là những hộ gần bãi rác nhất.
Rời nhà chị Quý, chúng tôi ghé sang nhà hàng xóm là ông Dương Văn Nhung đúng lúc gia đình đang dùng bữa cơm trưa. Không thể tin vào mắt mình khi thấy các món ăn dọn ra đều bị ruồi bâu đen, chẳng khác nào những hạt vừng được rắc đều lên chiếc bánh đa. Ngay cả bát cơm trắng không có chất tanh mà ruồi cũng bâu dày đặc. Ấy vậy mà, các thành viên của gia đình ông Nhung vẫn gắp ăn bình thường, như thể họ đã quen cảnh “sống chung với ruồi” nên không còn biết ghê tởm nữa. “Hôm nay còn ít đó, như hôm qua trở trời thì ruồi nhiều vô kể. Khách lạ đến không dám ngồi uống nước chứ nói gì đến ăn cơm” - bà Trần Thị Châu, vợ ông Nhung than thở.
Bà Châu bức xúc cho rằng, ruồi từ bãi rác ô nhiễm bủa vây nhà dân, làm mất vệ sinh, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, dịch tả... khiến cuộc sống của không chỉ gia đình bà mà nhiều hộ khác gần bãi rác bị xáo trộn. Vợ vừa dứt lời, ông Nhung nói tiếp “Tôi đề nghị phải dời bãi rác đi nơi khác, chứ để nó tồn tại ở đó thì chúng tôi khó mà tránh khỏi nạn ruồi tấn công”.
Ô nhiễm do đơn vị môi trường gây ra
Đưa những hình ảnh mà chúng tôi ghi được về tình trạng người dân thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh bị ruồi tấn công đi hỏi cơ quan có trách nhiệm, ông Thái Sơn Vinh - Phó trưởng Phòng TNMT huyện Đức Thọ - không lấy gì làm bất ngờ. Ông Vinh cho biết, huyện đang cho máy xúc ra chôn lấp rác và quán triệt các HTX thu gom rác không được đổ bừa bãi ngoài đường. Cũng theo ông Vinh, bãi rác Phượng Thành được quy hoạch từ năm 2004, có diện tích 5ha, nằm ở địa phận của 3 xã gồm: Tùng Ảnh, Đức Long, Đức Hòa. Đây là bãi rác được 28 HTX môi trường thu gom rác của 28 xã, thị trấn trong toàn huyện Đức Thọ tập kết về để xử lý, chôn lấp với khối lượng rác tập kết về bình quân 9 tấn/ngày. Từ năm 2004 - 2017, UBND huyện Đức Thọ hợp đồng, giao cho HTX môi trường thị trấn Đức Thọ quản lý, phân loại, xử lý, chôn lấp tại bãi rác Phượng Thành.
Thế nhưng, từ cuối năm 2017, UBND huyện Đức Thọ có đề án xây dựng lò đốt rác tại bãi rác Phượng Thành với kinh phí gần 2 tỉ đồng, công suất đốt 1 tấn/h. Đề án được phê duyệt từ tháng 1.2018. Theo kế hoạch, trong quý 1.2018 phải đưa lò đốt vào hoạt động. Do HTX môi trường thị trấn Đức Thọ nắm được tinh thần là không đủ năng lực để được quản lý, vận hành lò đốt rác nên từ cuối quý 4.2017 đến nay, HTX này đã bỏ bê, không còn chuyên tâm xử lý chôn lấp rác tại bãi, dẫn đến quá tải. “Khi HTX môi trường Đức Thọ đã bỏ bê, lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý thì một số HTX ở các xã chở rác về tập kết tại bãi rác đã tiện đâu đổ đó nên rác tràn lan dọc đường, gây ô nhiễm” - ông Vinh chỉ rõ.
Nói về trách nhiệm trong quản lý, chôn lấp rác thải của đơn vị, ông Trần Văn Hải - GĐ HTX môi trường thị trấn Đức Thọ - cho rằng, đơn vị chỉ có trách nhiệm quản lý, xử lý trong năm 2017. Còn từ năm 2018, huyện có đề án mới, xử lý rác bằng lò đốt mà đơn vị không đủ năng lực, không được chọn để vận hành lò đốt thì trách nhiệm của đơn vị là không còn đối với vấn đề xử lý chôn lấp, dẫn đến rác tràn ngập, ô nhiễm.
Ông Thái Sơn Vinh - Phó trưởng Phòng TNMT huyện Đức Thọ - cũng thừa nhận, đúng là từ năm 2018 thì HTX môi trường thị trấn Đức Thọ không còn có vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chôn lấp rác thải ở bãi rác Phương Thành. Ông Vinh còn khẳng định, trong những ngày cuối quý 1 này, UBND huyện Đức Thọ sẽ đưa lò đốt vào hoạt động, khi đó sẽ không còn tình trạng quá tải, ô nhiễm từ bãi rác Phượng Thành nữa.
Những con kênh bị bức tử bởi rác thải sinh hoạt tại TP.HCM
Ô nhiễm kênh rạch là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Người dân buộc phải chấp nhận cảnh "sống chung với lũ" chờ cơ ... |
Bãi rác Đa Phước bốc mùi thối: Lật rõ sự thật về \'công nghệ hiện đại\'
Một lý do khiến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước bị phản ánh là do liên tục bốc mùi hôi thối, ... |
Hà Tĩnh: Cuộc đối thoại "nảy lửa" vì bãi rác gây ô nhiễm vượt ngưỡng
Với sự ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép, người dân trú tại thôn Đông Xá, xã Đức Hòa và thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh, ... |