Bị quân Đức tấn công, Hồng quân Liên Xô tung đòn phản kích bất ngờ bằng cách huy động 15 oanh tạc cơ ném bom Berlin.
Oanh tạc cơ tầm xa Ilyushin DB-3 của Liên Xô. Ảnh: Sputnik.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức mở đầu chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô, chiếm được phần lớn vùng Baltic, Belarus, phần lớn Ukraine, tiến đánh Lenigrad và dần áp sát thủ đô Moskva.
Phát xít Đức tuyên bố không quân Liên Xô đã bị hủy diệt hoàn toàn, đồng thời phát động chiến dịch ném bom thủ đô Moskva từ tháng 7/1941. Các lãnh đạo Liên Xô muốn tiến hành một chiến dịch không kích trả đũa quy mô lớn vào thủ đô Berlin, nhưng đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi khi Liên Xô đã mất hàng nghìn máy bay trước ưu thế tuyệt đối trên bầu trời không quân Đức, theo RBTH.
Số lượng máy bay còn lại không nhiều, buộc các chỉ huy quân đội Liên Xô phải cân nhắc việc sử dụng chúng hợp lý. Tất cả các sân bay mà oanh tạc cơ Liên Xô có thể xuất kích để ném bom Berlin rồi quay trở lại đều đã bị phát xít Đức chiếm đóng.
Sân bay gần Berlin nhất mà Liên Xô còn giữ được khi ấy nằm gần thành phố Leningrad, tuy nhiên các oanh tạc cơ của Liên Xô chỉ đủ khả năng bay tới thành phố Libau (nay là Liepaja) nằm ven bờ biển phía tây Latvia. Cuối cùng, các chỉ huy Liên Xô đưa ra quyết định táo bạo: Sử dụng sân bay xuống cấp từ lâu trên Osel (nay là Saaremaa), hòn đảo lớn nhất thuộcquần đảo Moonsund phía tây Estonia.
Từ sân bay này, oanh tạc cơ Ilyushin DB-3 của Liên Xô có thể thực hiện hành trình 900 km tới Berlin. Tuy nhiên, lúc này phát xít Đức đã tiến vào rất gần Tallinn, căn cứ quân sự chính ở vùng Biển Baltic và chuẩn bị tiến vào Vịnh Phần Lan, đồng thời không quân Phần Lan thường xuyên hoạt động ở khu vực này.
Liên Xô lập tức vận chuyển vật liệu, trang bị bằng đường biển tới đảo Osel để nâng cấp sân bay tại đây, giúp các oanh tạc cơ tầm xa có thể xuất kích từ đường băng này.
"Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt, những chiếc sà lan nhỏ được chất đầy nhiên liệu và đạn dược vượt qua vùng nước đầy rẫy thủy lôi của vịnh Phần Lan tới Tallinn, rồi từ đó đến đảo Osel. Mỗi lần đi là mỗi lần nguy hiểm chực chờ. Ở thời điểm đấy Tallinn đang bị kẻ thù vây hãm", cựu tư lệnh hải quân Liên Xô, Đô đốc Nikolai Kuznetsov, hồi tưởng.
Nguy hiểm hơn là không quân Đức có thể không kích sân bay trên đảo Osel bất cứ lúc nào. Để tránh bị phát hiện, các quân nhân Liên Xô giấu oanh tạc cơ tại nhiều địa điểm khác nhau trên hòn đảo và phủ lưới ngụy trang bên trên. Sân bay sau khi được nâng cấp cũng được ngụy trang cho có vẻ như bị bỏ hoang trong thời gian rất dài.
Điện Kremlin bị phát xít Đức ném bom ngày 26/7/1941. Ảnh: Margaret Bourke-White.
Ngày 6/8/1941, năm máy bay thực hiện thành công chuyến bay trinh sát ở Berlin. Hai ngày sau, 15 oanh tạc cơ DB-3 mang đầy đủ bom đạn bắt đầu chiến dịch không kích mang tên "Berlin"vào nửa đêm. Các oanh tạc cơ xuất phát từ đảo Osel, bay chặng dài phía trên Biển Baltic trước khi chuyển hướng tới thủ đô Berlin của Đức.
Chiến dịch không kích táo bạo này khiến người Đức hoàn toàn bất ngờ, thậm chí ban đầu họ còn nhầm oanh tạc cơ Liên Xô là của mình. "Người Đức không nghĩ chiến dịch táo bạo như vậy sẽ diễn ra. Khi oanh tạc cơ của chúng tôi tiếp cận mục tiêu, họ phát tín hiệu từ phía mặt đất: Máy bay của đơn vị nào? Đang bay đi đâu? Cho rằng đây là máy bay Đức bị mất phương hướng, họ đề nghị những oanh tạc cơ này hạ cánh xuống sân bay gần nhất", Kuznetsov kể lại.
Vào khoảng thời gian này, không quân Anh thường không kích Berlin nhưng các tốp oanh tạc cơ của Anh thường tiếp cận thành phố từ phía tây. Việc các oanh tạc cơ Liên Xô tiếp cận thành phố Berlin từ phía bắc, đồng thời chiến dịch "Berlin" diễn ra vào tháng 8/1941, thời điểm không quân Anh rất ít khi không kích thành phố này, khiến phòng không Đức chủ quan và phản ứng chậm chạp.
Tổng cộng 5 oanh tạc cơ Liên Xô ném bom Berlin, các máy bay khác ném bom vùng ngoại ô và thành phố Stettin. Sau chiến dịch này, tất cả các oanh tạc cơ của Liên Xô đều trở về căn cứ an toàn, còn người Đức không nghĩ rằng Liên Xô không kích thủ đô Berlin của họ.
Đại tá Evgeniy Preobrazhenskiy (trái) trao đổi với hoa tiêu Pyotr Khokhlov trước khi tham gia trận không kích Berlin ngày 8/8/1941. Ảnh: RBTH.
Cùng ngày 8/8/1941, đài phát thanh của Đức đưa tin: "Vào sáng sớm 8/8, không quân Anh triển khai lực lượng lớn khoảng 150 máy bay ném bom thủ đô của chúng ta. Trong số 15 máy bay tiếp cận thành phố, 9 máy bay bị bắn hạ".
Khi biết được không phải Anh mà chính không quân Liên Xô đã thực hiện chiến dịch ném bom táo bạo trên, cả giới lãnh đạo lẫn người dân Đức đều bị sốc.
Không quân Liên Xô tiếp tục không kích thủ đô của Đức trong khoảng một tháng tiếp theo, nhưng lúc này yếu tố bất ngờ không còn nữa và đối phương chuẩn bị kỹ lưỡng. Liên Xô mất tổng cộng 18 máy bay trong những lần không kích tiếp theo và sau khi Tallinn thất thủ, quân đội phát xít Đức ngay lập tức tấn công và chiếm đóng quần đảo Moonsund. Ngày 5/9/1941, chiến dịch Berlin kết thúc.
Chiến dịch không kích Berlin táo bạo của Liên Xô năm 1941 không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho phát xít Đức nhưng lại gây ra hiệu ứng tâm lý lớn, khi chứng minh cho cả thế giới thấy rằng không quân Liên Xô không những không bị phát xít Đức xóa sổ, trái lại hoàn toàn đủ sức tấn công thẳng vào trái tim của Đức.
"Sau những trận ném bom đầu tiên, người Nga bắt đầu tin tưởng rằng nếu họ bay tới được Berlin, họ cũng có thể đi tới được đây bằng đường bộ", trung tá Sergey Ostapenko, người từng gặp những phi công Liên Xô tham gia chiến dịch táo bạo khi ấy, hồi tưởng.
Nguyễn Tiến
Cách quân Đồng minh xác nhận chiến tích diệt tàu ngầm trong Thế chiến II
Lấy mẫu vật trên mặt biển, nghe lén đối phương là những cách xác minh thành tích diệt tàu ngầm phát xít Đức trong Thế ... |
4 chiến thuật Hồng quân Liên Xô dùng để đánh lừa phát xít Đức
Tạo tài liệu giả, hoán cải máy kéo thành xe tăng hay sử dụng từ lóng là những biện pháp Hồng quân dùng để qua ... |
13 ngày tử chiến của kíp xe tăng Liên Xô trong vòng vây phát xít Đức
Bị địch vây hãm trong chiếc T-34 mắc kẹt, trung sĩ Chernyshenko và Sokolov đã kiên cường chống trả suốt 13 ngày trước khi được ... |