Dù hủy các dự án 22,3 tỷ USD, Thủ tướng Malaysia vẫn không làm Bắc Kinh nổi giận mà còn mở ra cơ hội hợp tác tích cực hơn.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo chung hôm 20/8. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm qua tuyên bố sẽ hủy hai dự án lớn trị giá 22,3 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư ở nước này, với lý do khoản nợ tích lũy có thể khiến Malaysia phá sản, trong khi quốc gia này chưa thực sự cần đến những dự án đó.
Tuyên bố của Mahathir được coi là một đòn giáng nặng nề với Trung Quốc và sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng, bởi hai dự án trên được coi là một phần quan trọng của BRI ở Malaysia. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc đã đầu tư 1-8 nghìn tỷ USD cho các dự án của BRI và số tiền mà họ đã đầu tư cho hai dự án dang dở ở Malaysia khó có thể thu hồi, theo AP.
Tuy nhiên, Mahathir khẳng định Trung Quốc "thấu hiểu cho vấn đề của Malaysia và đồng ý" khi Kuala Lumpur quyết định hủy các dự án tỷ đô có tầm quan trọng rất lớn với Bắc Kinh. Ông còn nói rằng các điều khoản chi tiết về việc hủy dự án và bồi thường sẽ được chính phủ Malaysia thảo luận với các công ty Trung Quốc có liên quan.
Bình luận viên Nile Bowie của AsiaTimes cho rằng những tuyên bố được Mahathir đưa ra sau chuyến công du 5 ngày tới Bắc Kinh cho thấy lãnh đạo cao tuổi nhất châu Á này đã áp dụng chiến lược "lạt mềm buộc chặt" rất khôn khéo khi xử lý các vấn đề khó khăn với Trung Quốc và có thể trở thành hình mẫu cho các nước trong khu vực nhằm tái cân bằng quan hệ với Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia phân tích, kể từ khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của mình ở châu Á bằng sáng kiến BRI, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực thể hiện lập trường nhún nhường hơn với Bắc Kinh. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần công khai tuyên bố ủng hộ chính sách thân Trung Quốc để đổi lấy viện trợ kinh tế, trong khi người tiền nhiệm của Mahathir là Najib Razak cũng được cho là có quan điểm ủng hộ Bắc Kinh.
Nhưng sau khi giành chiến thắng trước Najib trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã thể hiện quan điểm trái ngược trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công 243 tỷ USD, đòi hỏi chính phủ của ông phải ưu tiên giải quyết.
Mahathir hồi tháng 5 đã cho đình chỉ một số dự án do Trung Quốc đầu tư ở nước này để xem xét lại các điều khoản mà ông cho là bất lợi với Malaysia. Tuy nhiên, các động thái này được ông tiến hành một cách khéo léo để không khiến dư luận cho rằng chính quyền của ông đang "chống Trung Quốc" một cách thái quá.
Dù phần lớn khoản nợ công này có liên quan đến các dự án của Trung Quốc, Mahathir đã rất thận trọng tránh đổ lỗi cho Bắc Kinh, thay vào đó khẳng định người tiền nhiệm Najib phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ khổng lồ của Kuala Lumpur. Phát biểu tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trung Quốc gần đây, Mahathir nói với các doanh nhân rằng các khoản nợ công của Malaysia "không liên quan đến người Trung Quốc" mà là "vấn đề của chính phủ Malaysia".
Giới phân tích cho rằng cách tiếp cận không đổ lỗi cho Bắc Kinh của Mahathir sẽ giúp củng cố vị thế của ông trong các cuộc đàm phán tương lai với các doanh nghiệp Trung Quốc về vấn đề bồi thường cho những dự án bị hủy bỏ, cũng như không làm dấy lên phản ứng quyết liệt từ các lãnh đạo Trung Quốc.
"Sau cuộc bầu cử, Mahathir và các quan chức chính phủ đã tìm cách giải thích với mọi người rằng quan điểm \'bài Trung Quốc\' trong chiến dịch tranh cử của ông thực chất là nhắm vào Najib, chứ không phải Bắc Kinh", Amrita Malhi, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Sự chấp nhận của Trung Quốc
Thủ tướng Mahathir (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (thứ hai từ phải sang) chứng kiến lễ ký văn kiện giữa phái đoàn hai nước hôm 20/8. Ảnh: AFP. |
Trong những tháng qua, Malaysia và Trung Quốc cũng đã tập trung quảng bá về tiềm năng và động lực hợp tác song phương, với sự tham gia của cả tỷ phú Jack Ma, nhằm phát đi thông điệp rằng hai nước vẫn đang có mối quan hệ gần gũi và có thể tái khởi động mối quan hệ để mang lại lợi ích lớn hơn cho nhau.
"Mahathir đang phát đi một thông điệp không chỉ tới các lãnh đạo Trung Quốc mà còn tới người dân trong nước rằng mục tiêu của ông là đưa Malaysia trở lại với chính sách không liên kết và kỷ nguyên thịnh vượng mới, ngay cả khi môi trường khu vực được định hình bởi cuộc ganh đua giữa các cường quốc", Malhi nói.
Trong chuyến công du 5 ngày tới Bắc Kinh, Mahathir dường như cũng tìm cách xoa dịu nỗi bất an của các nhà đầu tư Trung Quốc về tương lai của các dự án hợp tác khác, khi tuyên bố ông vẫn ủng hộ BRI và hoạt động đầu tư của Trung Quốc, miễn là chúng mang lại cơ hội cho người lao động Malaysia cũng như thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho nước này.
Mahathir dường như cũng muốn khẳng định không có "động cơ chính trị" đằng sau quyết định hủy các dự án tỷ USD của Trung Quốc, khi nói rằng ông đã trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc về nguy cơ Malaysia phá sản khi không thể trả được số nợ quá lớn.
"Tôi đã giải thích với họ, họ hiểu được tình hình và chấp nhận điều đó. Ban đầu đã có một số hiểu lầm nhưng giờ họ đã hiểu vì sao chúng tôi làm như vậy. Tôi không cho rằng Trung Quốc muốn chúng tôi bị phá sản", Mahathir nói.
Phản ứng của Bắc Kinh sau khi Malaysia hủy hai dự án lớn cho thấy Trung Quốc dường như phải chấp nhận thực tế mới và không thể làm gì hơn trước chiến lược của Mahathir. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bên tăng cường "trao đổi chiến lược" và hợp tác cũng như "thúc đẩy tin cậy lẫn nhau về chính trị".
Theo bình luận viên Bowie, cách tiếp cận mới của Mahathir cũng là thước đo về mức độ Trung Quốc chấp nhận những chỉ trích đối với sáng kiến BRI và khả năng thay đổi để ứng phó với tình hình mới của họ.
Một số học giả Trung Quốc cũng cho rằng bài học Malaysia cho thấy Bắc Kinh có hưởng lợi nhiều hơn nếu tỏ ra kiên nhẫn, bao dung và sẵn sàng điều chỉnh hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nước này cần sự ủng hộ của các đối tác trong khu vực trước cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ.
"Quyết định hủy các dự án nhiều tỷ USD chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh thất vọng, nhưng Mahathir vẫn duy trì được quan hệ với Trung Quốc và thậm chí còn mở ra các hình thức hợp tác tích cực hơn, điều mà các nước trong khu vực có thể học hỏi", Bowie đánh giá.
Lo sập bẫy nợ, Malaysia muốn thoát khỏi các dự án Trung Quốc
Malaysia đã ngừng một số dự án Trung Quốc và muốn thương lượng lại vì lo gánh nợ quá lớn và đối mặt với vấn ... |
Thủ tướng Malaysia hủy các dự án tỷ đô với Trung Quốc
Việc tái đàm phán các dự án trị giá hàng chục tỷ USD không mang lại kết quả trong chuyến thăm Bắc Kinh 5 ngày ... |