Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia kết hợp tiêm kích Nga-phương Tây

Để đối phó với Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia có thể mua tiêm kích F-15 của Mỹ hoặc Rafale của Pháp để kết hợp với chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga.

Trong bối cảnh lực lượng Hải quân Trung Quốc tăng cường xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Prabowo Subianto đang tìm kiếm một khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực mua sắm thiết bị quân sự.

Như vậy là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Indonesia dường như đã sẵn sàng cải thiện đáng kể năng lực không quân và hải quân của mình, với cam kết chi tới 125 tỷ USD để mua sắm máy bay và tàu chiến trong vòng 20 năm tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto tuyên bố, vừa qua ông đã nói với tổng thống Indonesia rằng hải quân nước này “sẽ có tối đa 50 tàu chiến” trong hai năm tới. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết nào về loại tàu chiến mà ông muốn nói đến, cho dù là tàu hộ vệ, tàu khu trục hay tàu tuần tra ngoài khơi.

Một nhà phân tích Indonesia gợi ý rằng, điều này có thể nghĩ đơn giản là hải quân nước này sẽ có 50 tàu sẵn sàng ra khơi bất cứ lúc nào, đó không hẳn đã là những chiến hạm lớn.

Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia kết hợp tiêm kích Nga-phương Tây ảnh 1
Để đối phó Trung Quốc, Indonesia hiện đại hóa lực lượng Không quân và Hải quân (Ảnh: Tiêm kích Su-27 và Su-30 của Indonesia bay tập với máy bay F-18 của Không quân Australia ở căn cứ Darwin)

Nguyên nhân rõ ràng là năm ngoái Hải quân Indonesia đã mất một tàu ngầm, kết hợp với việc Trung Quốc liên tục xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, dường như đã tạo động lực cho Bộ trưởng Prabowo và Tổng thống Joko Widodo đưa ra các cam kết ngân sách nghiêm túc.

Theo nguồn tin, danh sách vũ khí muốn mua của quân đội nước này bao gồm một số phi đội máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và F-15EX của Boeing. Với việc đã sở hữu những chiến đấu cơ hiện đại như Su-27 và Su-30 của Nga, lực lượng không quân Indonesia trong tương lai sẽ rất mạnh mẽ với sự kết hợp của các tiêm kích đa năng của cả Nga lẫn phương Tây.

Trước đó, Bộ trưởng Prabowo đã ký hợp đồng mua hai tàu hộ vệ Arrowhead 140 của Anh (khởi đóng tại Indonesia), sáu tàu hộ vệ đa nhiệm lớp FREMM của Italia, cũng như mua lại hai khinh hạm hạng nhẹ lớp Maestrale của Hải quân Italia đã được tân trang lại.

Cam kết ban đầu đối với khoản tiền 125 tỷ USD giành cho mua sắm vũ khí quân sự được nêu trong một tài liệu mang tên “Đáp ứng nhu cầu thiết bị quốc phòng và an ninh của Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI) 2020-2024”, được công bố vào tháng 6 năm ngoái.

Theo một chuyên gia Úc về an ninh quốc gia Indonesia là ông Natalie Sambhi, cho biết, phần lớn lực lượng vũ trang của nước này là quân đội cho nên hầu hết khoản tiền 125 tỷ USD sẽ dùng để mua sắm máy bay và tàu chiến cho hải quân và không quân Indonesia.

Điều này đặc biệt quan trọng khi mật độ các cuộc xâm nhập gần đây vào EEZ của Indonesia của các tàu Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Sức ép từ lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc và yêu cầu bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia đã khiến giới chức lãnh đạo Jakarta thúc đẩy chương trình hiện đại hóa quân đội một cách sâu rộng.

Mỹ thay đổi hải trình vào Biển Đông, Trung Quốc đau đầu đối phó Mỹ thay đổi hải trình vào Biển Đông, Trung Quốc đau đầu đối phó

Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ không chỉ gia tăng các chuyến đi qua Biển Đông mà hải trình, hình thức diễn tập ...

/ www.anninhthudo.vn