Ngoài 30 tuổi mang cơ thể rệu rã, dễ chết bất kỳ lúc nào, gia đình không ai buồn ngó, Minh quyết bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Nửa đêm, tầng 2 của cơ sở hỗ trợ sau cai nghiện tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội vẫn sáng đèn. Một học viên đang lên cơn thèm thuốc. Bùi Ngọc Minh cùng với 3 anh em khác người giữ tay, chân, người thay nhau xoa bóp, bấm huyệt. Con nghiện vật vã, gào lên như con thú bị thương, bọt mép sùi ra. Sau cơn thèm thuốc, anh ta nằm thõng thượt, không cựa quậy. Minh lúc này mới thở phào, khuôn mặt giãn ra.
Mỗi lần chứng kiến một học viên vật vã vì lên cơn thèm ma túy, Bùi Ngọc Minh (43 tuổi) lại như nhìn thấy mình 10 năm về trước.
Anh Minh (trái) hướng dẫn học cho học viên Mã A Si (Lào Cai) ở Cơ sở hỗ trợ sau cai nghiện thuộc hội thánh Tin Lành Exechien, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Mỗi học viên vào đây đóng phí từ 1 đến 2,6 triệu/tháng. Mã A Si hoàn cảnh khó khăn nên được miễn. Ảnh: Nhật Minh. |
Là con trai duy nhất trong gia đình bố mẹ đều là cán bộ nhà nước ở Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, Minh được chiều chuộng từ bé. Năm 14 tuổi, chàng công tử bỏ nhà đi bụi, sống bằng trấn lột, cướp giật.
Sau 5 năm chơi bời, Minh bắt đầu nghiện ma túy. Thi đậu 2 trường đại học, nhưng mỗi trường, anh chỉ học được hai năm rồi bỏ. Tài sản trong nhà đều đội nón ra đi. Mẹ khóc cạn nước mắt, bố đánh chửi vẫn vô ích. Minh đi đòi nợ thuê, đâm chém, buôn ma túy và gái mại dâm.
Năm 2002, khi con trai đang thụ án, mẹ Minh đi thăm. Để đến được trại, bà phải xắn quần lội qua mấy trăm mét ruộng. "Trời mưa, bà một tay cầm dép, một tay xách túi mì tôm, vai khoác túi đồ ăn cho tôi. Nhưng mẹ đến, tôi chỉ hỏi ‘tiền mua ma túy đâu’. Bà không cho, tôi chửi bới rồi đuổi mẹ về. Bà cứ chạy theo tôi, vừa khóc, vừa năn nỉ cầm túi đồ ăn mà tôi không chịu", Bùi Ngọc Minh day dứt kể.
Bất lực, bố Minh mua mộ để sẵn cho cậu con trai. Ông sợ sau này vợ chồng mình qua đời, con chết chẳng ai chôn. Biết tin, Minh lôi người đang cùng cai với mình ra đánh một trận cho bõ tức.
Sau 2 lần thụ án, năm 32 tuổi, Minh rời trung tâm cai nghiện khi cơn khát ma túy vẫn còn, cộng thêm bệnh lao phổi, ho ra từng chén máu. "Tôi cáu gắt và thù ghét mọi người, cảm giác ai cũng ghê tởm và muốn tránh xa mình", anh nói.
Có lần Minh bỏ đi suốt một tuần, về nhà chào hỏi nhưng bố mẹ không nói gì. Bữa cơm hai ông bà ngồi ăn cũng không bảo ăn cùng. "Tôi lặng lẽ như một cái bóng. 10 phút sau khi về nhà, tôi lại bỏ đi", Minh nhớ lại.
Nửa cuộc đời, mang theo cơ thể rệu rã, sống không mục đích, Minh mệt mỏi, cô đơn cùng cực. Nhưng quyết tâm làm lại cuộc đời chỉ xuất hiện khi Minh gặp một người bạn cũ gần nhà: "Nó cũng từng rệu rã vì ma túy, đầu trộm đuôi cướp như mình, giờ bỗng khỏe khoắn, vui vẻ, tôi ngạc nhiên lắm. Tôi đồng ý theo cậu ta đi cai nghiện, vì đã cùng đường rồi".
Vào cơ sở ở Phúc Thọ, Minh đau đớn suốt 3 tháng, vừa đánh vật với cơn thèm thuốc, vừa phải chữa lao tái phát, nhưng gồng mình chịu đựng vì biết không cố lúc này sẽ không bao giờ vượt qua được.
"Tôi từng đi cai nghiện nhiều cơ sở, nhưng không ở đâu mọi người đồng cảm và động viên tôi nhiều như ở đây. Với lại, thời gian này, khi những người thân đã không còn quan tâm, mẹ vẫn đến thăm tôi khiến tôi vừa biết ơn, vừa day dứt. Động lực cai nghiện của tôi càng mạnh mẽ hơn", Minh nhớ lại.
Một lần, Minh về thăm nhà ở Kim Liên, người hàng xóm vui vẻ chào, "Dạo này Minh đẹp trai quá". Anh chỉ cười, bảo "Đẹp gì thằng nghiện như em". Người này nhìn Minh chân thành "Đừng bao giờ nói vậy nữa, mọi chuyện qua lâu rồi, em đâu còn là nghiện nữa’. Khoảnh khắc đó, Minh biết mình đã chiến thắng bản thân và được thừa nhận.
Vợ chồng anh Minh hiện sống ở Sơn Tây (Hà Nội). Hàng ngày anh đi đi về về với gia đình, tuần trực đêm 2 - 3 buổi. Ảnh: Ngọc Minh. |
Từ năm 2009 đến nay, Bùi Ngọc Minh ở lại cơ sở này với vai trò quản lý. Cùng với các cộng sự, anh đã hỗ trợ được khoảng 100 người cai nghiện. Những học viên vào đây đủ mọi cá tính, đều vướng "bụi bặm giang hồ", vì vậy, bao dung, thấu hiểu là cách Minh chinh phục họ.
"Có học viên hơn tuổi tôi vào nhà vệ sinh lén lút hút. Tôi âm thầm theo dõi và biết được nhưng chỉ gọi riêng anh ấy ra bảo ‘Thôi, anh bỏ đi nhé!’. Anh ấy nói chính thái độ nhẹ nhàng của tôi khiến anh cảm động, xấu hổ và quyết định bỏ thuốc", Minh kể.
Giữa năm 2018, một học viên mới đến đập phá đồ đạc, xô xát với 3 học viên cũ. Theo quy định, cả 4 đều bị kỷ luật, trả về nhà hoặc chuyển cơ sở. Sau khi tìm hiểu ngọn ngành, biết học viên mới mệt mỏi và không kiềm chế do thiếu ma túy, anh chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại, không bị trả về. Một người không thể về nhà do vay tiền của xã hội đen chưa trả, Minh đưa đến ở nhờ nhà người thân của mình. Hàng ngày, anh trích một phần thu nhập chu cấp cho học viên này ăn uống, sinh hoạt.
Từng được hỗ trợ cai nghiện 8 năm trước, với Nguyễn Đức Huy (40 tuổi, Bắc Ninh), Minh vừa là anh, vừa là thầy. "Suốt 7 đêm liền, khi tôi vật vã vì khát ma túy, anh Minh thức trắng, vừa xoa bóp, bấm huyệt vừa động viên tôi. Không phải là họ hàng, không thân quen nhưng anh chăm sóc tôi như người nhà, giúp tôi làm lại cuộc đời", người đàn ông từng nghiện ma túy 20 năm kể.
Vợ Minh, chị Nguyễn Thị An (32 tuổi, bán quần áo) cho biết những khi vợ bận việc, anh vẫn tắm cho con, đưa đón các bé đi học, lau nhà, nấu ăn giúp vợ. "Từ một người lầm lì, ít nói, giờ anh ấy mở lòng và biết quan tâm, yêu thương vợ con hơn. Trước kia anh ấy còn chửi tục, giờ hết hẳn, cũng không rượu, bia thuốc lá nữa", chị kể. Những phản đối, dị nghị của gia đình, làng xóm khi chị đến với anh 9 năm trước giờ cũng không còn.
"Tôi nhận thấy trước kia mình được chiều chuộng quá, lại không được bố mẹ định hướng gì nên sinh hư, sống không mục đích. Vì vậy, với các con, vợ chồng tôi luôn cố gắng gần gũi, làm bạn để hiểu mong muốn của các bé nhưng tuyệt đối không nuông chiều", Minh nói. Ông bố 3 con cũng soạn sẵn nội quy với các mức phạt từ nhẹ đến nặng để lũ trẻ không tái phạm.
Anh Minh đưa gia đình đi tắm biển năm 2017. Ảnh: Ngọc Minh. |
Ở thôn Bướm, xã Thọ Lộc, Phúc Thọ, người dân giờ đây thỉnh thoảng vẫn thấy các nhóm đội viên từ trại cai nghiện đi hỗ trợ dân làng làm đường, đào cống. "Lúc đầu nghe mở trại ở đây, dân trong thôn ai cũng sợ bị cướp bóc. Nhưng 10 năm qua, cở sở này được quản lý rất tốt. Tôi từng chứng kiến nhiều người khi vào thì ngổ ngáo, gầy ốm như que củi, nhưng lúc ra thì điềm đạm, vui vẻ, béo tốt", ông Khuất Hữu Khôi, bí thư, trưởng thôn Bướm, cho biết.
"Tôi nhận thấy không chỉ quyết tâm của bản thân giúp con nghiện chiến thắng, mà còn cần sự bao dung của gia đình và cảm thông của những người xung quanh. Tôi vẫn dặn anh em khi rời cơ sở, nếu ngoài kia, cuộc sống ngột ngạt và khó khăn quá, hãy quay về, tôi sẽ luôn dang rộng vòng tay", Minh nói.
Theo Chủ tịch Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy Lê Trung Tuấn, tình trạng tái nghiện ma túy tại Việt Nam hiện hiếm khoảng 93%. Một người chỉ được coi là cai nghiện thành công khi không sử dụng ma túy trên một năm, đồng thời thay đổi được hành vi, tư duy, suy nghĩ và thay đổi hoàn toàn môi trường sống cũ.
Nhật Minh
Chuyện ly kỳ về những ông trùm giang hồ khét tiếng VN
Có kẻ núp bóng doanh nhân thành đạt, có tên "đi lên" từ nghề đánh giày, bán báo, chăn vịt... Thế nhưng chỉ cần nghe ... |
Bí mật chưa từng hé lộ về giang hồ Sài Gòn trước 1975
Bảy Viễn đã tung một cú đá xỉa bằng năm đầu ngón chân (Kim Tiêu cước) nhanh và hiểm trúng vào nhân trung (yếu huyệt) ... |