”Đòi bằng được tiền ngân sách cấp cho con quan chức đi du học không về”

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), trong vụ con quan chức đi du học bằng tiền ngân sách   nhưng không về ở Quảng Ngãi, ngoài việc đòi lại bằng được tiền đã cấp thì cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận phê duyệt, lựa chọn người tài để cấp học bổng du học.

Con quan chức ở Quảng Ngãi bị yêu cầu phải bồi hoàn lại tiền vì đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không về. Ảnh minh họa: T.L

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), trong vụ con quan chức đi du học bằng tiền ngân sách nhưng không về ở Quảng Ngãi, ngoài việc đòi lại bằng được tiền đã cấp thì cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận phê duyệt, lựa chọn người tài để cấp học bổng du học.

Có trách nhiệm với tiền thuế của dân

Những giờ qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc 4 du học sinh là con của những quan chức của tỉnh Quảng Ngãi được xét tuyển đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Có điều, sau khi tốt nghiệp, họ đã phá vỡ cam kết, không trở về địa phương làm việc. 

Theo đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi, những sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí.

Sau khi xét chọn, tỉnh Quảng Ngãi có 3 công chức và 6 sinh viên được xét hồ sơ đi du học tại Anh Quốc, Australia và Philippines. Sau khi học xong đã có 5 trường hợp trở về địa phương làm việc như đã cam kết, còn 3 người không quay về. Một trường hợp có về làm vài tháng sau đó chuyển đi địa phương khác.

4 người không về và không làm việc ở địa phương đã bị Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo, thậm chí phải đền lại tiền gấp đôi như trong cam kết. Có người phải bồi hoàn hơn 3 tỉ đồng trong 2 năm đi học.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT).

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), sự việc như ở Quảng Ngãi thì yêu cầu phải bồi hoàn kinh phí đào tạo là chuyện đương nhiên.

“Khi đi học bằng con đường tự túc thì người học có quyền lựa chọn, ở lại hay về là quyền của họ. Còn khi đi du học bằng ngân sách, tiền thuế của dân thì phải có trách nhiệm, ý thức chuyện về nước cống hiến. Nếu không về thì đương nhiên phải bồi thường vì không hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm.

Kể cả tiền do các tổ chức quốc tế cấp cho Nhà nước, sau đó Nhà nước phân bổ về địa phương, thì người thụ hưởng chính sách cũng phải thực hiện trách nhiệm theo đúng cam kết. Nếu người đi học không bồi thường được thì gia đình phải có trách nhiệm bồi thường, trả lại tiền cho Nhà nước để trao cơ hội cho người khác”- TS Khuyến nhấn mạnh.

Làm rõ trách nhiệm khâu tuyển chọn người đi du học

Qua sự việc ở Quảng Ngãi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng cần rút ra bài học. Hiện nay, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách để thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước. Chẳng hạn như việc cấp học bổng, đầu tư cho những người ưu tú trong các trường học, cơ quan nhà nước đi học thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Khi thực hiện việc này, khâu chọn người là rất quan trọng, để chọn đúng người, không lãng phí tiền ngân sách.

“Chúng ta nói rằng chọn người tài đi học, nhưng hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là người tài, tiêu chí đánh giá người tài. Sự việc ở Quảng Ngãi, ngoài việc yêu cầu người đi học phải bồi thường chi phí đào tạo, thì cần quy trách nhiệm của người phụ trách việc lựa chọn người.

Khâu chọn người đi phải cẩn thận, nếu không chặt chẽ sẽ có trường hợp lobby cá nhân để được đi học bằng tiền ngân sách. Thứ hai là khâu quản lý người đi học ở nước ngoài, phải giúp họ có trách nhiệm với quyết định của mình. Hiện nay phải thừa nhận khâu quản lý người đi học ở nước ngoài vẫn còn bị buông lỏng”- TS Khuyến thẳng thắn.

Ông cũng cho rằng, việc những người được cử đi học bằng tiền ngân sách nhưng không trở về, rồi lấy lý do vì chế độ đãi ngộ không tốt, không có môi trường phát huy khả năng… chỉ là ngụy biện.

Lý do, theo ông: “Khi được nhận tiền của Nhà nước để đi học, thì trước tiên phải về nước. Nếu về được một thời gian mà không được bố trí công việc thì lúc đó có quyền kiến nghị và đi làm việc ở nơi khác. Còn những người không trở về, thì nhất định phải yêu cầu trả lại tiền”.


Bích Hà 14/12/2019 | 08:36

Con quan chức du học không về tỉnh: Trách nhiệm nêu gương?

Theo chuyên gia, khó đòi hỏi trách nhiệm nêu gương của cán bộ, lãnh đạo khi con cái họ đi du học về 'xé' cam ...

Con trai lãnh đạo tỉnh thăng tiến nhanh, Quảng Trị báo cáo 'bổ nhiệm đúng'

Ông Nguyễn Đức Thiện là nhân lực chất lượng cao được thu hút về tỉnh, nên Sở Ngoại vụ Quảng Trị bổ nhiệm ông này ...

Con quan chức sở hữu tài sản "khủng": ĐBQH hỏi từ đâu?

Nhiều ĐBQH chung nghi vấn là vì sao chỉ mới có 19-22 tuổi mà đã sở hữu khối tài sản khủng, nguồn gốc ở đâu?

 

 

 

/ laodong.vn