Độc quyền nước sạch

Lên án công ty cấp nước là chuyện dễ. Khó là trả lời câu hỏi: Nếu không dùng nước của họ thì dùng của ai? 

 

Lên án công ty cấp nước là chuyện dễ. Khó là trả lời câu hỏi: Nếu không dùng nước của họ thì dùng của ai?

Nhà tôi vừa trải qua một cơn căng thẳng vì ông con học cách nhà máy Rạng Đông đúng một cây số, giờ lại thêm màn đi tích trữ nước đóng chai. Và sau tất cả ức chế, tôi nhận ra điều này: cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (mã VCW) trên sàn UPCOM hôm qua vẫn xanh.

Không có tình huống phản ứng kiểu bạn thấy trong phim, chỉ một tin tức xấu có thể khiến cổ phiếu một công ty lao dốc. Dầu thải ở đầu nguồn, nhiễm độc, chưa tìm ra biện pháp xử lý, những phát ngôn thiếu nhất quán, người dân Hà Nội khủng hoảng vì nước sạch, nhưng nhà cung cấp vẫn đang ổn, ít nhất là ở khía cạnh kinh doanh.

Lịch sử đã chỉ ra như thế: sức khỏe kinh doanh của công ty này vẫn rất tốt, cho dù nó đã từng là trung tâm của một cơn cuồng nộ không kém lần này, khi đường ống cấp nước bị vỡ 21 lần, trở thành một vụ án hình sự.

Cho dù là hôm nay bạn có đang uất nghẹn khi nghĩ đến việc mình đã uống nước mấy ngày, nay mới được thông báo là "không nên uống", thì ngày mai bạn cũng không thay đổi nhà cung cấp nước sạch cho mình được. Trừ khi bạn định tắm giặt bằng nước đóng chai cả đời.

Cấp nước sạch được các nhà nghiên cứu gọi là một lĩnh vực "độc quyền tự nhiên" (natural monopoly). Ở đó không có cái thị trường nơi mà hôm nay bạn gặp anh thu ngân xấc xược thì mai bạn đổi nhà cung cấp luôn. Lĩnh vực này có một hạ tầng phân phối đặc thù, rất tốn kém trong xây dựng. Việc chỉ giao cho một công ty triển khai và vận hành hệ thống sẽ tối ưu chi phí xã hội nhất. Các công ty cấp nước trở thành độc quyền trên một khu vực, nhưng là kiểu độc quyền hình thành do khách quan, xã hội chấp nhận. Ngay cả ở các quốc gia phát triển cũng vậy.

Điểm khác ở các quốc gia phát triển, là việc họ nhận thức rất rõ khái niệm "độc quyền tự nhiên" này. Vì lợi ích xã hội, tôi đành lòng giao cho anh cả khu vực phía Tây Nam thành phố để cung cấp nước độc quyền. Nhưng anh cũng không được tự do tự tại như một công ty tư nhân thông thường nữa.

Nếu tìm kiếm với từ khóa giản dị "monopoly water supply regulations" - "điều chỉnh độc quyền trong cung cấp nước", bạn sẽ đọc được hằng hà sa số các nghiên cứu kinh tế, từ Âu sang Mỹ, từ trường đại học đến tổ chức phi chính phủ, để trả lời câu hỏi: làm sao giảm thiểu được tác hại của sự độc quyền? Bạn còn gặp cả một kiến nghị của Quốc hội Anh, trong đó phân tích việc phạt mấy công ty kiểu này hai chục triệu bảng Anh chẳng bõ bèn gì vì họ quá lãi.

Sự độc quyền tự nhiên trong cung cấp nước sạch tạo ra ít nhất là 5 câu hỏi lớn: đầu tiên, cơ bản nhất là rủi ro về giá (thứ đầu tiên nghĩ đến khi bàn về "độc quyền"); các rủi ro về mặt môi trường (họ có thể gây hại cho môi trường như mọi doanh nghiệp khác); rủi ro về mặt xã hội (nếu họ từ chối cung cấp nước sạch cho một số cộng đồng thì sao?); rủi ro về mặt chăm sóc khách hàng (đã độc quyền thì kiến nghị của khách hàng có ý nghĩa gì?); và rủi ro về an toàn của nước – thứ mà chúng ta đang trải qua.

Mỗi quốc gia có một phương pháp chống lại sự "độc quyền tự nhiên" này. Một số nước, dù là tư bản gộc, trong nhiều bối cảnh vẫn xuất tiền ngân sách ra để nhảy vào lĩnh vực này, tại những khu vực và thời điểm nhạy cảm, chứ không để tư nhân làm tất. Có nước như Hà Lan, sinh mệnh quốc gia phụ thuộc vào hệ thống cấp nước theo nghĩa đen, thì có những hội đồng độc lập hẳn với chính quyền coi sóc nước sạch, có ngân sách riêng. Nước Anh, như đã kể ở trên, vẫn liên tục lôi các công ty cấp nước ra Quốc hội để tìm "biện pháp giáo dục". Hai mươi triệu bảng một sự cố, theo họ còn quá ít.

Việt Nam có một hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ khiến cho các công ty này không được tự quyết định giá, cũng như chịu trách nhiệm cung cấp nước bình đẳng cho khu vực mình phụ trách. Nhưng khi bàn đến những rủi ro phát sinh khác, như chuyện nhiễm độc nguồn nước hay vỡ ống, thì cái gọi là "xử lý nghiêm" mà một số độc giả kêu gọi thật ra không rõ ràng, trừ khi hình sự hóa hoặc có ai đó khởi kiện dân sự công ty cấp nước. Phạt hành chính mấy chục triệu mới là "nghiêm"? Và phạt xong thì họ có thay đổi quy trình vận hành cho an toàn không? Ban lãnh đạo vẫn tại vị chứ? Cần lưu ý: nhà nước không trực tiếp điều hành các công ty này. Cắt hợp đồng thì không làm được rồi.

Về lý thuyết, nếu tôi đang giữ mấy triệu cổ phiếu của một công ty cấp nước lớn, mà lãnh đạo công ty lại chèo chống được qua một cái đẫn thảm họa ô nhiễm, người dân vui vẻ tắm giặt và cổ phiếu công ty vẫn xanh, chi phí tối ưu, lợi nhuận tăng trưởng, cuối năm họp đại hội cổ đông, tôi sẽ phấn khởi giơ hai tay xin khen thưởng giám đốc. Quan hệ kinh tế ở đây là như vậy, không thể chửi tôi vô trách nhiệm với xã hội được.

Và thú vị nhất là thế này: kể cả vụ việc bị hình sự hóa, ai đó phải ra tòa, mà cổ phiếu vẫn xanh (khả năng là vẫn xanh), quy trình của công ty không phải thay đổi, chi phí vận hành kiểm tra không phải tăng lên, thì tôi sẽ giơ hai tay xin khen thưởng những người chưa phải ra tòa. 

Vụ việc đang diễn ra với nguồn nước sạch sông Đà không chỉ gợi ra vấn đề trách nhiệm cá nhân. Sự phẫn nộ của xã hội có thể tạo ra áp lực xử lý ai đó. Nhưng nó nói rằng chúng ta đang đối mặt với một bài toán lớn hơn. Nó mở ra cơ hội xem xét một quan hệ kinh tế đặc thù. Sự "độc quyền tự nhiên" của các nhà cung cấp nước sạch liệu đã được điều chỉnh đủ hay chưa? Luật của chúng ta còn lỗ hổng nào chưa tính tới? Các nhà cung cấp độc quyền này đã chịu đủ sức ép để làm ăn nghiêm túc? Phải chăng tôi đã quá cả nghĩ về một chuyện tai bay vạ gió, chẳng ai nên chịu trách nhiệm về việc này? Hay là chúng ta đã có một hệ thống pháp luật hoàn hảo rồi, chẳng qua người dân không biết đường mà tự khởi kiện dân sự công ty cấp nước, ai mà can thiệp được? 

Đó là một vấn đề mà không một bài báo nào giải quyết được cho bạn. Nó cần một quy trình lập pháp liên tục, hỏi và trả lời liên tục, ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì "độc quyền" là một khái niệm tạo ra nhiều rủi ro. Giống như bạn là người nuôi ong vậy: đành rằng là để lấy mật ngọt, nuôi vẫn cần nuôi, nhưng rủi ro quá nhiều, phòng vệ không biết thế nào là đủ.

Cho dù cảm xúc trong bạn - người dùng nước có mùi khét mấy ngày nay - đang là gì, thì có một thực tế khó chịu: ngay sau đây, bạn sẽ vẫn phải quay lại dùng nước của công ty này trong nhiều năm nữa. Việc nhận thức sự khó chịu đó, là bước đầu tiên để nghĩ về việc ta có thể làm gì hơn với các quan hệ kinh tế kiểu này.

Đức Hoàng

 

Nước nhiễm dầu thải: TGĐ Công ty nước sạch sông Đà miễn cưỡng xin lỗi, nói dân thông cảm
Nước sông Đà nhiễm dầu thải: Hà Nội cung cấp nước sạch miễn phí cho dân
Chuyên gia: Hà Nội cần đánh giá "mức độ gây hại của Styren trong nước sạch"
TGĐ nước sạch sông Đà: Tôi làm thuê, nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Sẽ xử nghiêm vụ nước sạch có mùi, làm rõ trách nhiệm của Công ty Nước sạch sông Đà
/ vnexpress.net