Doanh nhân Bắc Ninh mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo là ai?

Hiện doanh nhân Bắc Ninh bỏ ra số tiền 6,1 triệu USD mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo - ông Nguyễn Thế Hồng đang là nhân vật được công chúng rất tò mò, quan tâm.

Sau quá trình đàm phán, thương lượng thành công giữa Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng với Công ty Cổ phần Millon (Pháp), ấn vàng Hoàng đế chí bảo của triều Nguyễn đã được mua với giá 6,1 triệu USD (153 tỷ đồng).

Theo tiến độ thanh toán giữa 2 bên, dự kiến cuối tháng 4/2023 hoặc đầu tháng 5/2023 sẽ hoàn tất việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Như vậy, ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chuẩn bị hồi hương sau một thời nỗ lực của cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức, cá nhân.

hoang-de-chi-bao20221117172051
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo dự kiến hồi hương vào tháng 5 tới

Trước đó, khi biết tin ấn vàng Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.

Về phần mình sau khi nắm thông tin Nhà đấu giá Millon đưa ra đấu giá cổ vật là chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chủ động đặt cọc tham gia đấu giá.

Tuy nhiên, sau khi bay sang Pháp, ông thấy rằng khó có thể đấu giá thành công nên đã liên hệ với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng Việt Nam để xin hỗ trợ. Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Thế Hồng đã bỏ ra toàn bộ các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng và mua trực tiếp.

Hiện “đại gia” bỏ ra số tiền 6,1 triệu USD mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo - ông Nguyễn Thế Hồng đang là nhân vật được công chúng rất quan tâm.

nguyenthehongbacninh20230214103224
Ông Nguyễn Thế Hồng (phải) và ông Alexandre Millon - đại diện sàn đấu giá Millon (trái) tại lế ký kết mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Theo thông tin có được, tại Bắc ninh, ông Nguyễn Thế Hồng (sinh năm 1961) không chỉ là một doanh nhân lớn, có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, dự án giao thông mà còn là một tay chơi cổ vật có tiếng. Ông Hồng hiện còn giữ cương vị là Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – bảo tàng tư nhân có tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.

Sinh ra tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau khi xuất ngũ trở về năm 1983, ông Nguyễn Thế Hồng thành lập Công ty TNHH Nam Hồng với lĩnh vực hoạt động chính là tổ chức thi công các dự án giao thông, bất động sản... Công ty TNHH Nam Hồng luôn là doanh nghiệp đứng đầu ở tỉnh Bắc Ninh về thực hiện các dự án giao thông và xây dựng các công trình lớn, đã được nhận cờ của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng II.

Không chỉ là người kinh doanh, ông Hồng được biết đến là người rất đam mê sưu tầm cổ vật. Những ngày đầu mới bước chân vào thú chơi này, ông thường mua các đồ sứ và đồ gỗ quý của Trung Hoa. Sau khi đã có nhiều đồ sứ Trung Quốc, ông Nguyễn Thế Hồng lại sưu tầm và tìm mua nhiều đồ cổ Việt.

Hiện Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông đang sở hữu số lượng cổ vật đồ sộ và đa dạng. Riêng bộ sưu tập sứ cổ Trung Hoa có một số cổ vật mang dấu ấn cung đình, được sưu tầm từ Đài Loan (Trung Quốc) rất quý hiếm. Đặc biệt, bộ sưu tập cổ ngoạn của ông có rất nhiều nguồn và việc mua đồ từ nước ngoài về với ông Hồng được tiết lộ là không phải điều lạ lẫm.

Gần đây, một hiện vật của bảo tàng này vừa được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022 là chiếc thạp đồng văn hóa Đông Sơn. Chiếc thạp này có một băng hoa văn trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong. Đàn thú 14 con này được tạo hình nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang đuổi theo nhau, tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động.

 
Bảo Thoa / Báo Công Thương