- 54% doanh nghiệp Việt gặp khó trong đo lường và báo cáo phát thải
- 100% thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến trong năm 2025
Khát vọng đưa nền kinh tế bứt phá trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi cộng đồng doanh nghiệp đứng trước cả cơ hội và thách thức để bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu cao nhất từ trước đến nay. Đó là tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và đạt tới mức hai con số trong thời gian tiếp theo...
Tăng quy mô, nâng chất lượng

Hiện cả nước có hơn 900.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động và khoảng 15.000 hợp tác xã; góp phần quyết định vào tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và xuất, nhập khẩu hằng năm. Trên thực tế, đã có một số tập đoàn kinh tế đạt quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, tham gia dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và đóng góp vào việc xây dựng, hình thành, quảng bá thương hiệu quốc gia như VinGroup, FPT, THACO, Hòa Phát, Vinamilk…
Không ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà đầu tư, triển khai dự án sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài như Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), châu Phi... thu về những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, chỉ sau vài năm Vinfast đã xuất khẩu ô tô điện và đặt chân khá vững chắc tại một số thị trường vốn có truyền thống công nghệ hơn Việt Nam, đồng thời chuẩn bị xuất xưởng lô ô tô đầu tiên tại cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Đó là bước tiến nhanh và dài.
Không ít doanh nghiệp đã nhạy bén, tiên phong làm chủ công nghệ mới, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh, chuyển đổi số, có thương hiệu và tạo dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển… Trong đó, Tập đoàn TH đã thành công trong việc đưa thương hiệu sữa Việt Nam ra thế giới, khiến ngành sữa thế giới bất ngờ khi đầu tư Dự án tổ hợp sản xuất và chế biến sữa tươi sạch cùng một số dự án thực phẩm khác với số vốn 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga.
Thời điểm này, Chính phủ cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào những công trình/dự án mang tầm vóc quốc gia. Đó chính là sự tin tưởng, đồng thời gợi mở về sứ mệnh và khát vọng ở tầm cao hơn, với tầm nhìn, tư duy làm lớn đối với doanh nghiệp. Đơn cử, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho THACO, Hòa Phát… sẵn sàng tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá hàng chục tỷ USD.
Song, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam đến nay vẫn “chưa đều màu” bởi phần lớn đơn vị vẫn chỉ ở quy mô nhỏ đến trung bình nên năng lực về vốn rất hạn chế (phần lớn vốn doanh nghiệp mới thành lập dưới 15 tỷ đồng). Thực tế cũng cho thấy một số hạn chế, bất lợi của doanh nghiệp như trình độ, kỹ năng quản lý, lạc hậu về công nghệ, thiếu nhân lực trình độ cao, khó tiếp thụ thành tựu khoa học, công nghệ mới. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, đủ năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng nội địa còn ít; tính liên kết, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế còn yếu, thiếu liên tục, chưa đồng đều.
Kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp
Với tinh thần kiến tạo, đồng hành, Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhà nước đang dành nguồn lực đầu tư rất lớn cho phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics và thời gian; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố quyết định vẫn là bản thân mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trong nhận thức rõ chiến lược, mục đích của mình để vươn lên, lớn mạnh không ngừng. Doanh nghiệp cần đi tắt, đón đầu trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kết hợp giảm chi phí sản xuất, vận hành. Thống kê cho thấy, nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hàng hóa, đơn vị kinh doanh có thể giảm 4% chi phí, làm tốt hơn nữa thì có thể giảm tới 8% chi phí...
Ngoài ra, các đơn vị nên chủ động liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, đồng thời hình thành hệ sinh thái, nỗ lực hình thành các doanh nghiệp dân tộc, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để kiến tạo, định vị vị thế kinh tế của quốc gia.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động tăng tốc trong việc đào tạo nguồn nhân lực; tận dụng tốt cơ hội, sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng khi triển khai đào tạo 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao tầm vóc của mình trên thị trường công nghệ cao. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao kiến thức, sẵn sàng tham gia các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, cộng đồng doanh nhân phải biết dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu và đứng lên từ thất bại và chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống.
Trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp, ngành cùng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng. Đó là tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo... Những động thái nói trên nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025, tạo đà hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm sau.